Những lưu ý xung quanh việc người có visa lao động làm thêm công việc phụ

Thời gian gần đây, có rất nhiều người lao động bị giảm giờ làm, thậm chí bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thu nhập bị giảm sút nên có không ít trường hợp mong muốn tìm thêm cho mình một công việc phụ (副業) bên cạnh công việc chính đang làm. Tuy nhiên, trường hợp người lao động nước ngoài muốn làm thêm công việc phụ thì lại khá phức tạp, do ngoài những quy định liên quan đến công ty thì còn cần xét đến những quy định về tư cách lưu trú nữa. Ở bài viết này, Tomoni xin phép tổng hợp những điểm cần lưu ý nếu lao động nước ngoài muốn làm thêm công việc phụ để các bạn cùng tham khảo nhằm tránh gặp phải những rắc rối đáng tiếc nhé!

Xem thêm: Tìm hiểu về 副業 và 兼業

1. Tiêu chí liên quan đến quy định của công ty

Đây là tiêu chí đầu tiên người lao động (kể cả người Nhật) cần quan tâm khi muốn bắt đầu một công việc phụ. Trên thực tế, pháp luật không có bất kỳ quy định nào về việc nhân viên chính thức (正社員) không được làm thêm công việc phụ, nhưng người lao động cần đảm bảo việc không làm trái quy định của công ty đang làm việc. Vậy làm thế nào để xác minh việc công ty có cho phép làm công việc phụ không? Câu trả lời là người lao động cần kiểm tra lại Quy chế lao động (就業規則) của công ty. Nếu bị phát hiện làm thêm công việc phụ trong trường hợp công ty có quy định cấm nhân viên làm thêm công việc phụ (副業禁止), người lao động có thể bị nhắc nhở, giảm lương, đình chỉ công tác, giáng chức,… thậm chí bị sa thải.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần kiểm tra lại Quy chế lao động của cả công ty mà bản thân dự định làm công việc phụ. Nếu công ty đang làm việc cho phép bạn làm thêm công việc phụ nhưng công ty bạn muốn làm thêm công việc phụ không cho phép thì bạn cũng không thể làm song song cả 2 được. Nói cách khác, người lao động cần kiểm tra lại Quy chế lao động của công ty đang làm việc và công ty dự kiến bắt đầu công việc phụ trước khi bắt đầu làm công việc phụ.

Ngoài ra, khi lựa chọn công việc phụ người lao động cần hết sức cẩn trọng. Ngay cả trong trường hợp Quy chế lao động của công ty cho phép nhân viên làm thêm công việc phụ, người lao động cũng có khả năng gặp rắc rối nếu rơi vào một trong những trường hợp bên dưới:
– Làm việc cho chính đối thủ cạnh tranh của công ty mình
– Làm công việc phụ có khả năng gây tổn hại đến lợi ích, uy tín của công ty
– Làm công việc phụ gây trở ngại cho công việc chính của bản thân.

2. Tiêu chí liên quan đến tư cách lưu trú 

Về cơ bản, người có visa lao động (就労ビザ) đều có thể làm thêm công việc phụ nếu điều đó không trái Quy chế lao động như đã đề cập ở mục 1. Tuy nhiên, tùy vào công việc phụ mà người lao động cần lưu ý có cần xin thêm Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú (資格外活動許可申請) hay không.
– Trường hợp không cần xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú
Nếu người lao động làm thêm công việc phụ thuộc cùng nghề mà mình được cấp tư cách lưu trú thì không cần xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú
→ Ví dụ: Kiến trúc sư nhận thiết kế bản vẽ, biên dịch viên nhận dịch tài liệu,…

– Trường hợp cần xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú
Nếu người lao động làm thêm công việc phụ khác với ngành nghề mà mình được cấp tư cách lưu trú thì cần xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú
→ Ví dụ: Kỹ sư xây dựng nhận dạy thêm tiếng Việt cho người Nhật,…

※ Những điều kiện cần thiết để xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú
Trường hợp người lao động có thu nhập từ công việc phụ khác với ngành nghề của bản thân nhưng không có Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú có thể bị xem như lao động trái phép (不法就労). Vậy điều kiện để có thể xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú là gì? Công việc phụ phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Không làm ảnh hưởng đến công việc chính
– Không phải lao động đơn giản (単純労働) (Ví dụ: Làm xưởng cơm hộp, làm quán ăn, làm combini,…)

Ngoài ra, Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú được phát hành miễn phí. Tuy nhiên, thời gian từ khi làm thủ tục đến khi nhận được giấy phép có thể kéo dài từ 2 tuần đến 2 tháng. Nếu người lao động bắt đầu làm công việc phụ trước khi nhận được giấy phép thì sẽ bị xem như lao động trái phép. Giấy phép có thời hạn từ khi được phát hành đến khi visa lao động của người đó hết hiệu lực.

★ Giới thiệu một số kênh thông tìm kiếm công việc phụ
coconala: Đây là trang web cho phép người lao động dùng chính những kỹ năng của bản thân để có thêm thu nhập. Phương thức hoạt động của trang là người lao động sẽ “show” ra những kỹ năng của bản thân và chờ nhận công việc từ những khách hàng có nhu cầu thuê. Tại đây người lao động có thể “bán” rất nhiều kỹ năng từ thiết kế website, lập trình,… đến những kỹ năng tưởng chừng không thể tạo ra thu nhập như “kỹ năng” tiết kiệm, làm đẹp…

Lancers: Đây là trang web cung cấp thông tin về công việc phụ lớn nhất ở Nhật, tập hợp công việc của hơn 350 nghìn công ty. Người lao động sẽ ứng tuyển để làm những công việc phù hợp với năng lực của bản thân. Đặc điểm của trang web này là số lượng công việc rất nhiều và đa dạng, nên ngay cả người chưa có kinh nghiệm cũng có thể tìm được công việc phụ. Một số công việc thường thấy tại đây là tạo, thiết kế website, biên – phiên dịch,…

CrowdWorks: Trang web này hoạt động tương đối giống Lancers với phương thức “ứng tuyển”. Đặc biệt, CrowdWorks có cả những công việc có thể làm tại nhà, không cần phỏng vấn cực kỳ đơn giản như trả lời khảo sát, viết phản hồi về sản phẩm, dịch vụ (kuchikomi),… nên ngay cả người không tự tin về kỹ năng máy tính cũng có thể tìm được công việc.

Ngoài ra, còn một số trang web cung cấp thông tin về công việc phụ khác như Timeticket, Subworks, Profuku,… mà bạn có thể tham khảo.

3. Thủ tục Kê khai thuế (確定申告) và Điều chỉnh thuế cuối năm (年末調整) như thế nào?

3.1 Thủ tục Kê khai thuế (確定申告) 
– Theo quy định, người lao động cần làm thủ tục Kê khai thuế đối với thu nhập (所得) từ công việc phụ nếu phần thu nhập này lớn hơn 20 man/năm. Trường hợp thu nhập (所得) từ công việc phụ dưới 20 man/năm thì không cần làm thủ tục Kê khai thuế. Tuy nhiên, nếu người lao động cần làm thủ tục Kê khai thuế để có thể được giảm trừ chi phí y tế (医療費控除), thì dù trong trường hợp thu nhập từ công việc phụ dưới 20 man/năm cũng cần kê khai rõ. Tóm lại, người lao động có thể không cần làm thủ tục Kê khai thuế nếu thu nhập từ công việc phụ dưới 20 man/năm, nhưng nếu phải làm thủ tục Kê khai thuế (vì một nguyên nhân nào khác) thì buộc phải kê khai thu nhập từ công việc phụ.

Xem thêm:
Những điều cần biết về thủ tục kê khai thuế
Tìm hiểu về cách tính tiền giảm trừ chi phí y tế (医療費控除)

3.2 Thủ tục Điều chỉnh thuế cuối năm (年末調整)
Nếu làm việc ở 2 công ty, người lao động sẽ nhận được hồ sơ để làm thủ tục Điều chỉnh thuế cuối năm từ cả 2 nơi. Tuy nhiên, về nguyên tắc, chúng ta sẽ chỉ làm thủ tục này ở công ty có mức thu nhập cao hơn mà thôi.

Xem thêm:
Hướng dẫn cách khai giảm trừ các loại bảo hiểm trong Điều chỉnh thuế cuối năm

4. Một số biện pháp tránh để lộ việc bản thân đang làm thêm công việc phụ

Dù với những công ty mà Quy chế lao động không cấm nhân viên làm thêm công việc phụ nhưng hầu hết mọi người không muốn để cấp trên cũng như phía công ty biết việc bản thân làm thêm một công việc khác ngoài công việc chính. Vậy làm thế nào để phía công ty không nhận ra? Dưới đây là một số biện pháp:
– Hạn chế đề cập đến công việc phụ: Tất nhiên là hầu hết người lao động không bao giờ nói với cấp trên hay lãnh đạo công ty về công việc phụ của bản thân nhưng lại thường không cảm thấy cần giữ bí mật với các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, điều này có thể truyền đến tai cấp trên. Do đó, nếu không muốn bị công ty nhận ra việc bạn đang làm công việc phụ thì nên hạn chế việc nói về chủ đề này với người khác.

– Không làm những công việc cần tiếp xúc với nhiều người: Nếu làm những công việc cần tiếp xúc với nhiều người như lễ tân, nhân viên bán hàng,… bạn sẽ không lường trước được việc mình sẽ phải gặp ai. Do đó, nếu không muốn bị phát hiện thì nên hạn chế làm những công việc như vậy.

– Lưu ý về khoản thuế Thị dân: Thuế Thị dân là nguyên nhân dẫn đến việc làm công việc phụ của nhiều người bị “bại lộ”. Hầu hết người lao động sẽ đóng thuế Thị dân thông qua việc khấu trừ một phần trong lương nhận được hàng tháng. Việc làm thêm công việc phụ sẽ khiến thu nhập của bạn tăng lên, kéo theo thuế Thị dân cũng tăng. Nếu số tiền thuế Thị dân cao bất thường so với số tiền lương mà công ty trả thì việc bạn làm thêm công việc phụ cũng sẽ không thể che giấu được. Để giải quyết vấn đề này, khi làm thủ tục Kê khai thuế, bạn cần chọn vào mục “Trực tiếp nộp thuế cho các khoản thu nhập ngoài lương chính” (主給与以外の所得を普通徴収で支払う) ở phần chọn phương pháp nộp thuế Thị dân.

Xem thêm: Chậm đóng thuế thị dân có xin được visa lao động ở Nhật?

5. Một số lưu ý thêm khi làm công việc phụ

Người lao động cần hết sức lưu ý trong việc quản lý thời gian, dữ liệu và cả tình hình sức khoẻ của bản thân khi bắt đầu làm thêm công việc phụ.
– Về mặt thời gian: Không để lịch trình của công việc phụ lấn át công việc chính. Đặc biệt, nên cân nhắc kiểm soát số lượng công việc phụ những khi công việc chính bước vào giai đoạn bận rộn.

– Về mặt sức khoẻ: Nên chú ý hơn đến tình hình sức khoẻ của bản thân tránh để việc vì làm song song 2 công việc dẫn đến không có đủ thời gian nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây trở ngại cho cả 2 công việc.

– Về mặt quản lý dữ liệu: Tuyệt đối không để rò rỉ dữ liệu, thông tin giữa 2 công việc. Điều này có thể khiến bạn gặp rắc rối về mặt pháp luật nên phải thật sự cẩn thận dù với những thông tin tưởng chừng không hề quan trọng.

Tomoni hy vọng bài viết đã cung cấp phần nào những thông tin hữu ích cho bạn nào đang muốn bắt đầu một công việc phụ. Có thêm một nghề tay trái giúp chúng ta có thêm thu nhập, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhưng nếu không thận trọng người lao động có thể sẽ gặp phải những rắc rối không lường trước được. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi bắt đầu các bạn nhé!

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp

MPKEN có dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.

  • Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
  • Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
  • Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man  ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...