Khi xin việc tại Nhật, chắc hẳn là ai cũng đều có những lo lắng không biết mình có thể xin được việc không, hoặc nếu nhận được naitei thì lại lo lắng không biết mình có quyết định đúng không? Công ty có phù hợp không? v.v.. Muốn giải toả những lo lắng đó, trước hết bạn cần thông suốt trong suy nghĩ ngay từ khi bắt đầu xin việc. Để có những quyết định phù hợp nhất cho bản thân, chúng ta cần ghi nhớ những điều gì khi đi xin việc tại Nhật? Chúng ta cùng đi xem trong bài ngày hôm nay nhé.
“Đi xin việc cho ai?”, khi được hỏi câu đó, chắc hẳn bạn nào cũng nghĩ rằng, không cần phải nói cũng hiểu, đi xin việc là cho bản thân, là cho tương lai bản thân, cho con đường sự nghiệp sau này.
Ai cũng nghĩ vậy cho đến khi họ thực sự bước vào quá trình xin việc ở Nhật… Nhiều bạn ngay cả khi bắt đầu đi xin việc rồi vẫn chưa biết mình muốn làm công việc gì, phù hợp với công việc gì hay phải bắt đầu từ đâu. Rồi trong quá trình xin việc, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ và quyết định của bạn như những thông tin bên ngoài, từ gia đình, bạn bè hay người quen, người hướng dẫn xin việc…
Tham khảo bài viết: Tổng hợp link hướng dẫn shushoku ở Nhật
Thông tin, ý kiến từ bên ngoài càng nhiều thì lựa chọn cũng tăng lên, nhưng đồng thời cũng làm cho việc xin việc của bạn cũng trở nên khó khăn hơn. Vì sao lại khó khăn hơn? Vì những thông tin, ý kiến từ bên ngoài đến với bạn, không hẳn tất cả ý kiến đó đều là hoàn toàn vì bản thân bạn. Ví dụ: bạn muốn làm việc ở công ty nhỏ, xa Tokyo nhưng nhiều cơ hội phát triển nhưng gia đình bạn lại muốn bạn làm việc ở công ty lớn, ở Tokyo chẳng hạn. Tất nhiên, gia đình luôn muốn điều tốt cho bạn, nhưng có phù hợp với con đường của bạn hay không lại là chuyện khác.
1 ví dụ khác, giáo viên hay người hướng dẫn xin việc cho bạn, đưa ra thông tin để hỗ trợ và giúp bạn có thể xin được việc ở Nhật, nhưng 1 phần cũng vì lợi ích của chính họ, vì đó là công việc của họ.
Nói tóm lại, khi bắt đầu đi xin việc, chúng ta sẽ luôn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi những thông tin, ý kiến đến từ những yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta loại bỏ nó hoàn toàn và chỉ làm theo suy nghĩ của bản thân. Điều quan trọng là luôn ý thức được rằng, chúng ta đi xin việc là cho chính bản thân và cho tương lai mình. Từ đó, tiếp nhận thông tin 1 cách có chọn lọc, giúp chúng ta có thể có được những quyết định sáng suốt và phù hợp nhất với bản thân.
Khi chúng ta bắt đầu đi xin việc, nhưng kiểu thông tin như “công ty này tốt, công ty kia xấu”… rất rất nhiều. Hoặc những kiểu ngộ nhận như công ty lớn là công ty tốt, công ty nhỏ là không ty không tốt, hay là những đánh giá từ những trang web đánh giá doanh nghiệp trên mạng. Tuy nhiên, nói cho cùng những đánh giá (cho điểm) đó chỉ có ý nghĩa tham khảo, không có nghĩa là công ty đó hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu đối với bạn.
Tại sao lại như vậy? Là vì “lý do vào công ty” của mỗi người đều khác nhau. Chúng ta đi xin việc vì bản thân chúng ta, nhưng mỗi người lại có 1 kế hoạch, 1 con đường riêng cho tương lai của mình. Và việc lựa chọn công ty đi làm, là để từng bước hiện thực kế hoạch tương lai đó của bản thân. Có người muốn vào công ty lớn, ổn định. Nhưng có người muốn vào công ty nhỏ hơn nhưng có tiềm năng phát triển, thăng tiến hơn, hay đơn giản để học hỏi được nhiều hơn.
Nói cách khác, không có công ty hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, chỉ có công ty phù hợp, và tốt với bạn hay không thôi. Và tất nhiên, có phù hợp với bạn hay không thì phải do chính bản thân mình quyết định rồi.
“Không có xin việc thành công hay thất bại”, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi được nghe câu này. Nếu không tin, bạn thử định nghĩa xin việc “thành công” hay “thất bại” khi đi xin việc đi nào. Xin việc “thành công” là vào được công ty lớn? Còn xin việc “thất bại” là vào công ty nhỏ, không ai biết đến? Hay không nhận được naitei từ công ty nào?
Không phải vậy! Rất nhiều người không vào công ty lớn, nhưng họ vẫn rất thành công trong cuộc sống, công việc. Ngược lại, nhiều người vào công ty lớn nhưng lại làm việc vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi hay dành cho cuộc sống riêng tư. Điều quan trọng là bạn có cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống và công việc hay không.
Tuy nhiên, dù nói nói không có “xin việc thất bại”, nhưng nếu bạn không tìm hiểu kỹ về công ty mà đã nhận naitei, hay không cố gắng khi đi xin việc, thì có thể sau đó bạn sẽ hối hận vì đã không tìm hiểu, không cố gắng hết mình đó.
Trên đây là 1 vài điều chúng ta nên ghi nhớ khi đi xin việc ở Nhật. Điều quan trọng là chúng ta phải biết xác định rõ ràng mục tiêu cho tương lai, lên kế hoạch cụ thể và việc đi làm chỉ là phương tiện để chúng ta hiện thực hoá kế hoạch, mục tiêu đó. Ngoài ra, trong quá trình xin việc, ngoài suy nghĩ của bản thân thì còn có rất nhiều thông tin, ý kiến từ bên ngoài tác động đến quyết định của chúng ta. Khi đã xác định được mục tiêu, kế hoạch cho bản thân, chúng ta có thể lựa chọn những thông tin phù hợp, có ích để giúp chúng ta đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho bản thân mình.
Chúc các bạn đi xin việc ở Nhật có thể tìm được cho mình 1 công việc phù hợp để hiện thực hoá mục tiêu của bản thân và có 1 cuộc sống hạnh phúc.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận