Những điều cần biết khi xin nhập quốc tịch Nhật

Vài năm trở lại đây, số lượng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật tăng lên khá nhanh. Để cuộc sống và công việc tại Nhật được ổn định và bản thân cũng được tự do hơn khi đi lại giữa các nước, rất nhiều gia đình bắt đầu cân nhắc đến việc xin đổi từ quốc tịch Việt Nam sang quốc tịch Nhật. Tuy nhiên, việc nhập tịch không đơn giản chỉ là việc có ý muốn, làm thủ tục và được chấp nhận nhập tịch mà còn phụ thuộc vào những điều kiện được quy định khác. Những điều kiện đó là gì? Thủ tục xin nhập tịch như thế nào?… Tomoni sẽ cùng các bạn tìm hiểu những điều cần biết về thủ tục xin nhập quốc tịch Nhật Bản trong bài này nhé.

Nhập tịch 帰化 là gì?

  Nhập tịch 帰化(きか)là việc xin nhập quốc tịch của quốc gia đó. Người nước ngoài có thể làm thủ tục nhập tịch (帰化許可申請 きかきょかしんせい tiếng Anh: Permission for Naturalization) tại cục Pháp vụ và nhập quốc tịch Nhật Bản.

   Người nước ngoài sau khi chấp nhận nhập quốc tịch Nhật Bản, về cơ bản sẽ được coi như là 1 công dân Nhật Bản, có đầy đủ các quyền lợi của 1 công dân Nhật Bản chính thức. Ví dụ:

  • Quyền bầu cử, thậm chí có thể tự ứng cử.
  • Có thể xin việc làm công chức.
  • Được hưởng chế độ phúc lợi xã hội như lương hưu, giáo dục… tương đương với người Nhật.
  • Việc sở hữu đất đai dễ dàng hơn.
  • Có hộ chiếu Nhật Bản, thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản hơn.
  • Việc giao dịch tài chính, vay nợ ngân hàng hay các khoản đầu tư khác cũng trở nên dễ dàng hơn.
  • Có thể nhập hộ tịch trong trường hợp kết hôn với người Nhật.

   Tuy nhiên, việc nhập tịch cũng có bất lợi khi người nhập quốc tịch Nhật Bản sẽ phải từ bỏ quốc tịch cũ như 1 điều kiện để xin nhập quốc tịch Nhật Bản. Hộ chiếu của quốc gia cũ sẽ bị loại bỏ, tùy từng quốc gia mà việc đi đến các quốc gia khác có thể bất tiện hơn. Ngoài ra, sau khi từ bỏ quốc tịch cũ, sẽ rất khó trong trường hợp muốn nhập tịch lại quốc gia cũ.

    Việc nhập tịch là việc rất quan trọng, là thay đổi rất lớn trong cuộc đời con người. Do đó, người muốn nhập tịch nên suy nghĩ thận trọng, trao đổi với gia đình người thân trước khi quyết định bắt đầu 1 cuộc sống mới với quốc tịch Nhật Bản.

Sự khác nhau giữa visa vĩnh trú và Nhập quốc tịch

     Người có visa vĩnh trú có thể ở lại Nhật Bản dài hạn mà không cần phải làm thủ tục gia hạn visa, và vẫn giữ quốc tịch từ trước đến nay (quốc tịch Việt Nam). Tuy nhiên, trong trường hợp có vấn đề xảy ra, người có visa vĩnh trú có thể bị cưỡng chế về nước. Trường hợp đi du lịch nước ngoài hay về nước (Việt Nam) 1 thời gian khi quay lại cũng phải làm thủ tục Tái nhập quốc. Ngoài ra, quyền bầu cử hay chế độ bảo hiểm xã hội cũng bị hạn chế.

   Trường hợp người đã xin nhập và có quốc tịch Nhật Bản sẽ sinh sống tại Nhật như một công dân Nhật chính thức (cho đến khi từ bỏ quốc tịch Nhật Bản). Đương nhiên, sẽ không còn khái niệm phải gia hạn visa hay là đối tượng cưỡng chế về nước khi có vấn đề xảy ra nữa. Trường hợp xuất nhập cảnh cũng không phải làm thủ tục Tái nhập quốc, có đầy đủ các quyền công dân Nhật Bản như bầu cử, ứng cử…

Những điều kiện để xin nhập tịch

   Ngoài hình thức nhập tịch thông thường 通常の帰化 còn có 2 hình thức khác là nhập tịch đơn giản 簡易帰化 và nhập tịch đặc biệt 大帰化.

    Nhập tịch đơn giản 簡易帰化 là hình thực nhập tịch đã nới lỏng điều kiện cho 1 vài loại đối tượng đặc biệt.

    Nhập tịch đặc biệt 大帰化 là hình thức nhập tịch cho những đối tượng đặc biệt, được bộ trưởng bộ Pháp vụ cho phép dưới sự thừa nhận của Quốc hội. Cho đến nay vẫn chưa có tiền lệ về loại hình này nên trong bài này Tomoni chỉ đề cập đến điều kiện của 2 hình thức nhập tịch thông thường và nhập tịch đơn giản.

Nhập tịch thông thường

     Người đáp ứng đủ tất cả các điều kiện dưới đây có thể nghĩ tới việc làm thủ tục xin nhập tịch. Tuy nhiên, không phải cứ đáp ứng đủ điều kiện là chắc chắn được chấp nhận nhập tịch. Bộ Pháp vụ sẽ quyết định cuối cùng sau khi tổng hợp và xem xét tất cả các khía cạnh. Cũng có trường hợp dù đáp ứng hết điều kiện dưới nhưng lại không được chấp nhận nhập tịch vì 1 lý do đặc biệt khác.

1.Điều kiện về việc cư trú
    Cho đến thời điểm đăng ký nhập tịch, nguời đăng ký phải sinh sống tại Nhật Bản 1 cách hợp phápliên tục ít nhất 5 năm. Địa chỉ và tư cách lưu trú đương nhiên cũng phải hợp pháp.
     Luật không quy định rõ, tuy nhiên điều kiện về ý chí khách quan cũng góp phần quan trọng trong việc xin nhập tịch. Hiểu đơn giản là việc xin nhập tịch không phải là ý chí chủ quan của 1 người mà là của toàn bộ thành viên trong gia đình. Trường hợp trong gia đình chỉ có 1 bộ phận thành viên xin nhập tịch cũng cần phải trình bày lý do không xin nhập tịch. Do đó, nếu cha mẹ xin nhập tịch thì thường xin luôn cho cả gia đình.
2.Điều kiện về năng lực hành vi
    Người đăng ký nhập tịch phải trên 20 tuổi, hoặc là người độ tuổi thành niên theo quy định của Nhật Bản. Trường hợp trẻ em muốn xin nhập tịch thì phải do phụ huynh hoặc người đại diện làm thủ tục xin cho.
3.Điều kiện về lý lịch nhân thân
    Xem xét đánh giá người đăng ký 1 cách tổng hợp, ví dụ như lý lịch có trong sạch không? Đã từng có hành vi vi phạm pháp luật không? Có nộp thuế đầy đủ không?…
4.Điều kiện về hoàn cảnh kinh tế
    Đánh giá xem người đăng ký có khả năng kinh tế để có thể sinh sống tại Nhật không. Việc đánh giá dựa vào thu nhập của cả gia đình chứ không phải chỉ riêng người đăng ký.
5.Điều kiện về quốc tịch
    Người đăng ký nhập tịch phải là người không có quốc tịch, hoặc theo nguyên tắc phải từ bỏ quốc tịch từ trước đến nay của mình. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ trong trường hợp không thể từ quốc tịch quốc gia đó theo ý chí của người đăng ký.
6.Điều kiện về việc tuân thủ hiến pháp
    Người đăng ký có chủ trương, kế hoạch phá hoại Chính phủ, quốc gia Nhật Bản bằng bạo lực, hoặc kết thành những tổ chức tương tự, sẽ không được chấp nhận nhập tịch.
7.Điều kiện về năng lực tiếng Nhật
   Điều kiện này không được quy định cụ thể bởi pháp luật nhưng cũng là điều kiện để bộ Pháp vụ căn cứ quyết định. Thông thường, tiếng Nhật ở mức có khả năng đọc, viết và giao tiếp thường ngày là được.
Nhập tịch đơn giản

    Đối tượng là người có quan hệ đặc biệt với Nhật Bản (các trường hợp ghi dưới đây) các điều kiện đề cập phía trên sẽ được nới lỏng khi làm thủ tục nhập tịch.

– Con của công dân Nhật Bản (trừ con nuôi), người được sinh ra tại Nhật Bản: điều kiện về thời gian cư trú tại Nhật được nới lỏng còn 3 năm.
– Nguời là vợ/chồng của công dân Nhật Bản: sống ở Nhật trên 3 năm, hoặc đã kết hôn trên 3 năm, và sống trên 1 năm tại Nhật.
– Người là con nuôi của công dân Nhật Bản (vị thành niên), người khi sinh ra không có quốc tịch… cũng là đối tượng được nới lỏng điều kiện nhập tịch.
Quy trình xin nhập tịch
Đến trao đổi, xin tư vấn từ cục Pháp vụ địa phương, nhận giấy tờ cần thiết.
Nộp đơn đăng ký và giấy tờ cần thiết cho cục Pháp vụ
Cục Pháp vụ tiến hành thẩm tra
Phỏng vấn, đến thăm gia đình, nơi làm việc
Bộ trưởng bộ Pháp vụ quyết định
Thông báo
Thủ tục sau khi nhập tịch

    Từ thời điểm đăng ký cho đến lúc nhận thông báo kết quả, thông thường sẽ mất khoảng 1 năm.

Nơi nộp hồ sơ đăng ký là cục Pháp vụ địa phương (ko phải Cục XNC) nơi người đăng ký sinh sống.

Danh sách cục Pháp vụ ở các địa phương

   Trường hợp tự mình làm hồ sơ giấy tờ đăng ký nhập tịch thì sẽ không mất phí. Trường hợp ủy thác luật sư làm hồ sơ giấy tờ hoặc tư vấn thì cần chi phí để thuê luật sư.

Những giấy tờ cần thiết

Về cơ bản thì cần những giấy tờ sau:

  • 帰化許可申請書 Giấy đăng ký nhập tịch
  • 親族の概要を記載した書類 Thành phần gia đình
  • 帰化の動機書 Lý do nhập tịch
  • 履歴書 Sơ yếu lý lịch
  • 生計の概要を記載した書類 Khả năng kinh tế của gia đình (thu nhập, chi tiêu…)
  • 事業の概要を記載した書類 Khái quát về công việc
  • 住民票の写し Bản sao giấy đăng ký cư trú
  • 国籍を証明する書類 Giấy tờ chứng minh quốc tịch
  • 親族関係を証明する書類 Giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình (Hộ khẩu)
  • 納税を証明する書類 Giấy tờ chứng minh nộp thuế
  • 収入を証明する書類 Giấy tờ chứng minh thu nhập
  • 在留歴を証する書類 Giấy tờ chứng minh quá trình lưu trú

   Ngoài ra còn có những giấy tờ khác, tùy theo từng trường hợp. Cụ thể cần những giầy tờ gì thì bạn nên trao đổi với người phụ trách tư vấn ở cục Pháp vụ địa phương. Đồng thời cần chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng bổ sung giấy tờ khác khi cần thiết.

Trường hợp bị từ chối nhập tịch

    Khi nhận được thông báo không chấp nhận nhập tịch, người đăng ký có thể xử lý theo nhiều hướng, ví dụ: đưa ra tòa án, tiếp tục đăng ký lại lần nữa… nhưng khả năng thay đổi kết quả gần như bằng 0. Do vậy, thường thì nên xem lại tình trạng gia đình và chờ đợi cơ hội tiếp theo.

   Bị từ chối nhập tịch đương nhiên là có lý do, nhưng phía cục Pháp vụ sẽ không trả lời lý do cho người đăng ký biết. Nếu vẫn cố gắng đăng ký lại và lặp lại thiếu sót cũ thì khả năng được chấp nhận gần như không có. Người đăng ký nhập tịch, trong quá trình làm hồ sơ, trao đổi, phỏng vấn cần phải tự mình để ý và nhận ra vấn đề của bản thân. Từ đó điều chỉnh và chờ đợi cơ hội tiếp theo.

Những thủ tục cần làm sau khi được chấp nhận nhập tịch

   Sau khi nhận được thông báo chấp nhận nhập tịch, có rất nhiều thủ tục khác cần phải hoàn thành.

   Đầu tiên, nhận giấy tờ chứng minh nhân thân tại cục Pháp vụ, sau đó nộp cùng đơn nhập tịch (帰化届) đến cơ quan hành chính địa phương trong vòng 1 tháng.

Tiếp theo, nộp lại thẻ ngoại kiều/thẻ vĩnh trú. Có thể mang đến cục quản lý Xuất nhập cảnh địa phương hoặc gửi qua bưu điện đến nyukan trong vòng 14 ngày, theo địa chỉ:

〒135-0064 東京都江東区青海2-7-11 東京港湾合同庁舎9階 東京入国管理局おだいば分室あて

Ngoài ra, còn rất nhiều thủ tục cần thiết khác phải hoàn thành như:

  • Thủ tục từ bỏ quốc tịch cũ (Việt Nam): Thủ tục này thông thường cũng mất thời gian tương đối lâu, từ 6 tháng đến 2 năm, tuỳ vào đợt xét của Chủ tịch nước. 
  • Thay đổi tên trên bằng lái xe
  • Thay đổi tên tài khoản ngân hàng
  • Làm passport của Nhật Bản…

    Việc nhập tịch có cả những lợi ích và bất lợi, thủ tục cũng khá phức tạp và cần nhiều giấy tờ. Hơn nữa, việc đáp ứng đầy đủ toàn bộ điều kiện cũng không đảm bảo rằng chắc chắn được chấp nhận nhập tịch. Do vậy, bạn nào muốn nhập tịch cần cân nhắc cẩn thận và trao đổi với người thân kỹ càng vì đây là quyết định ảnh hướng rất lớn đến cuộc sống sau này.

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn ko mất phí: 

https://www.mpkenhr.jp

MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi

  • Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
  • Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
  • Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man    ➞  Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

            

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...