Các bạn đang đi làm ở Nhật chắc không xa lạ gì với cụm từ ブラック企業 (ぶらっくきぎょう), còn gọi là “doanh nghiệp đen”. Đây là tên gọi chung của các công ty ở Nhật Bản có môi trường lao động khắc nghiệt, vi phạm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, ép làm việc quá giờ nhiều, chế độ phúc lợi kém, chậm hoặc không trả lương… Nếu không may, sau khi xin việc lại rơi vào những “doanh nghiệp đen” này, người lao động sẽ phải chịu đựng làm việc trong 1 môi trường hết sức khắc nghiệt, hoặc sẽ lại phải đi tìm 1 công việc mới. Do đó, khi đi xin việc ai cũng muốn được làm việc trong những công ty có môi trường làm việc, chế độ phúc lợi tốt (tiếng Nhật gọi là ホワイト企業 – doanh nghiệp trắng) và tránh những “doanh nghiệp đen” này. Nhưng trước khi vào công ty, làm sao nhận biết được đó là “doanh nghiệp đen” để mà tránh? Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu đặc trưng của “doanh nghiệp đen” và làm sao để phân biệt với những “doanh nghiệp trắng” nhé.
Đặc trưng đầu tiên dễ nhận thấy nhất của các “doanh nghiệp đen” chính là biến động liên tục và mạnh của nhân sự. Nhân viên mới sau khi vào công ty không chịu đựng được môi trường làm việc khắc nghiệt lại lập tức nghỉ việc. Để thay thế thì công ty lại tiếp tục tuyển người mới, và vòng quay tuyển dụng cứ thế liên tục.
Mỗi lần tuyển dụng số lượng rất lớn, chỉ 1 số ít có thể trụ lại được, số còn lại cũng bị sức ép về tinh thần dẫn đến tự nghỉ việc.
Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp tuyển dụng thường xuyên, liên tục đều là những “doanh nghiệp đen”. Đó có thể là những doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng tốt, đang mở rộng quy mô… hoặc là doanh nghiệp đòi hỏi yêu cầu cao, cạnh tranh cao trong công việc (và cũng nhận được mức thu nhập tương xứng). Tuy nhiên, các bạn vẫn cần xem xét cẩn thận, kết hợp với các yếu tố khác để có thể đưa ra được quyết định sáng suốt nhất nhé.
Các doanh nghiệp đen thường ép nhân viên làm việc nhiều, 1 nhân viên phải hoàn thành khối lượng công việc lớn. Do đó, nhận viên thường xuyên phải ở lại làm thêm ngoài giờ nhiều, thậm chí phải ở lại văn phòng đến tận đêm khuya để hoàn thành công việc. Vẫn biết làm việc dài giờ là đặc trưng của văn hoá làm việc ở các doanh nghiệp Nhật. Nhưng nếu nhân viên thường xuyên phải ở lại văn phòng làm việc đến tận khuya thì doanh nghiệp này xứng đáng cho vào danh sách đen đúng không nào?
Ở các “doanh nghiệp đen”, việc bắt nạt, chèn ép nhân viên hay quấy rối tình dục xảy ra thường xuyên. Nhân viên bị stress vì làm việc dài giờ, môi trường làm việc khắc nghiệt, lại bị bắt nạt chèn ép, quấy rối dẫn đến bắt buộc phải tự nghỉ việc, hay thậm chí là tự sát vì stress trong công việc.
“Doanh nghiệp đen” thường có xu hướng tận dụng và vắt kiệt khả năng của các nhân viên. Những doanh nghiệp như vậy thường đưa ra các khẩu hiệu làm việc, cổ vũ tinh thần nhân viên nhằm mục đích ép chỉ tiêu công việc lên các nhân viên và vắt kiệt khả năng làm việc của họ. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến 過労死, (chết vì làm việc quá sức) mà xảy ra khá phổ biến ở Nhật.
Các “doanh nghiệp đen” thường chỉ chú trọng tô vẽ cho vẻ bề ngoài của doanh nghiệp. Họ không có các điểm mạnh nào khác để thu hút người lao động. Do vậy, các doanh nghiệp này thường nhấn mạnh vào việc PR rằng có môi trường làm việc thân thiện giữa các nhân viên, hay môi trường làm việc thoải mái như ở nhà (アットホームな職場) chẳng hạn. Có thể đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì việc PR môi trường làm việc thoải mái là bình thường, nhưng với các các doanh nghiệp Nhật, và người lao động Nhật thì đây chính là 1 trong những dấu hiệu của 1 “doanh nghiệp đen”.
Đương nhiên, những dấu hiệu trên đây chỉ là những dấu hiệu để tham khảo. Không phải 100% doanh nghiệp có 1 trong các dấu hiệu trên đều là “doanh nghiệp đen”. Bạn cần cân nhắc, tham khảo, xem xét các yếu tố khác nhau để phán đoán và đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Giới thiệu sản phẩm tiện ích:
Set 5 chiếc khăn được làm từ chất liệu làm mát, có thể giữ lạnh lâu dài, rất thích hợp dùng khi vận động ngoài trời trong những ngày nắng nóng.
Trước hết chúng ta cần tránh hiểu lầm rằng các doanh nghiệp đen chỉ thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn đều là “doanh nghiệp trắng”. Không có gì đảm bảo điều đó. Ngược lại trên thực tế cũng có không ít các doanh nghiệp lớn bị cho vào danh sách đen của bộ Lao động. Và rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có môi trường làm việc và chế độ phúc lợi tốt.
Vậy những ngành nghề nào có xu hướng có nhiều “doanh nghiệp đen”? Dưới đây là top 5 ngành nghề có nhiều “doanh nghiệp đen” nhất theo thống kê của bộ Lao động.
- Kiến trúc, bất động sản: tuy thu nhập khá cao nhưng thu nhập phụ thuộc vào hoa hồng nên chỉ tiêu cũng rất cao và rất khắt khe.
- Quản lý nhà hàng: thường yêu cầu thời gian làm việc dài, có khi phải làm việc 1 mình 1 nhà hàng.
- Thời trang, quần áo: nhân viên của shop quần áo thường có thu nhập thấp và phải tự bỏ tiền túi ra để mua sản phẩm của công ty.
- Ngành IT: đây là ngành mà công việc làm chẳng bao giờ hết, có khi còn phải ở lại làm đến khuya muộn hoặc làm việc qua đêm.
- Các ngành nghề sáng tạo: đây là những công việc yêu cầu sự hoàn hảo và hoàn thành đúng hạn. Để kịp hoàn thành đúng hạn thì việc làm thêm ngoài giờ đến khuya hoặc thâu đêm là chuyện bình thường.
Nếu để ý, chúng ta cũng có thể nhận ra được những dấu hiệu điển hình của của các “doanh nghiệp đen” dựa trên các quảng cáo tuyển dụng. Những đặc điểm dưới đây là điển hình của các “doanh nghiệp đen”:
- Không ghi thu nhập cụ thể mà khoảng lương rộng, tạo cảm giác có thể dễ dàng kiếm thu nhập. Ví dụ: thu nhập 300~700 vạn yên/năm hoặc có thể cao hơn. Thực tế, những doanh nghiệp như vậy có khả năng là “doanh nghiệp đen”, thu nhập thực tế cũng chỉ khoảng 300 vạn yên/năm hoặc thấp hơn.
- Không yêu cầu gì ở ứng viên (kỹ năng, kinh nghiệm, bằng cấp…): những doanh nghiệp tuyển dụng 1 cách dễ dãi quá thường có xu hướng nhân viên ra vào liên tục. Doanh nghiệp có mức lương, chế độ đảm bảo chắc sẽ không để điều kiện tuyển dụng là “không yêu cầu” gì ở ứng viên hết.
- “Chế độ lương theo thực lực, thành tích”: đối với các công ty nước ngoài, điều này có thể đúng. Tuy nhiên ở Nhật thì nó lại dễ tạo ấn tượng không tốt. Những công việc như thế này thường có chỉ tiêu rất cao, nhân viên không đạt được mức chỉ tiêu này thì thu nhập sẽ không tăng lên.
Các doanh nghiệp đen thường không đề cập, hoặc khá mập mờ trong việc quy định làm thêm ngoài giờ. Do đó, khi đọc các thông tin tuyển dụng, bạn cần xác nhận kỹ chế độ làm thêm ngoài giờ của công ty đó như thế nào. Ví dụ: thời gian làm thêm mỗi tháng trung bình bao nhiêu? Có được thanh toán đầy đủ lương làm thêm ngoài giờ theo quy định hay không?… Nắm rõ được những thông tin đó sẽ giúp người lao động phán đoán được doanh nghiệp đó là “đen” hay “trắng” để có thể đưa ra được quyết định sáng suốt hơn.
Hàng năm đều có các cuộc điều tra về “doanh nghiệp đen” ở Nhật. Bộ Lao động cũng có 1 danh sách thống kê về các “doanh nghiệp đen”. Tuy những danh sách đó có thể chưa đầy đủ, là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng nó cũng giúp các bạn phần nào có được thông tin về những “doanh nghiệp đen” ở Nhật.
Những đánh giá trên mạng, có thể không chính xác 100% nhưng nó cũng phản ánh phần nào hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người lao động. Các bạn có thể tham khảo những ý kiến đánh giá về doanh nghiệp đó trước khi quyết định có vào công ty hay không.
Vi phạm quy định của bộ Lao động, môi trường làm việc khắc nghiệt, thời gian làm việc dài, phúc lợi kém, không trả lương ngoài giờ hay thậm chí chậm lương… Đó chính là những “doanh nghiệp đen” ở Nhật. Khi đi xin việc, nếu không tìm hiểu kỹ về công ty, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào những công ty như vậy. Hoặc chịu đựng và tiếp tục làm việc, hoặc là nghỉ việc và tìm công việc mới. Do đó, nếu trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, tìm hiểu ngay từ đầu, chúng ta có thể tránh được những “doanh nghiệp đen” đó, và tìm cho mình 1 nơi làm việc tốt hơn đúng không nào?
Tất nhiên, không phải 100% các doanh nghiệp có những dấu hiệu trên đều là “doanh nghiệp đen”. Chúng ta cần tìm hiểu và xem xét từ nhiều nguồn khác nhau, cân nhắc và phán đoán và đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Hiện nay, bộ Lao động cũng có danh sách những công ty được coi là “doanh nghiệp đen”, được cập nhật hàng năm. Ngoài ra còn có nhiều website xếp hạng “doanh nghiệp đen” khác. Các bạn nên tham khảo và chú ý để tránh rơi vào những doanh nghiệp đó khi xin việc tại Nhật nhé.
Tham khảo: Danh sách các công ty vi phạm tiêu chuẩn tối thiểu về lao động của bộ Lao động (06/2017~05/2018)
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận