Là chủ của một chuỗi cửa hàng Bánh Mì Xin Chào, anh Bùi Thanh Tâm có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc mở cửa hàng F&B tại Nhật. Anh đã chia sẻ lại kinh nghiệm từ những bước đầu tiên như chuẩn bị giấy tờ thành lập công ty, tìm mặt bằng…trên trang facebook cá nhân. Được sự đồng ý của tác giả, Tomoni xin đăng tải lại series này, hy vọng sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về con đường khởi nghiệp tại Nhật theo hướng mở nhà hàng.
Series gồm các phần như sau:
Phần 1: Thành lập công ty và xin visa kinh doanh.
Phần 2: Chuẩn bị xây dựng
Phần 3: Thi công
Phần 4: Lên Menu
Mời các bạn cùng theo dõi.
————————————————–
PHẦN 1: THÀNH LẬP CÔNG TY VÀ XIN VISA
Đầu tiên, bạn phải là người cư trú hợp pháp – có lý lịch “sạch”, sau đó thông qua các văn phòng luật để thành lập pháp nhân, bỏ vào trong ngân hàng số tiền nhất định (thường là từ 5 triệu yên – 500 man), đây cũng là số tiền bạn chứng minh rằng mình đủ vốn để mở công ty, xin visa kinh doanh tại Nhật.
Đọc thêm các điều kiện xin visa kinh doanh:
Khác với Việt Nam, bạn có thể khai số vốn điều lệ của mình lên bao nhiêu tuỳ thích – kể cả số tiền đó… ngang ngửa số tài sản ông Trump đang có cũng chẳng vấn đề; không ai làm khó bạn cả. Ngược lại, ở Nhật thì số vốn điều lệ của cty bạn chính là số tiền bạn bỏ vào ngân hàng, được in sổ rõ ràng. Ngay cả sau này muốn tăng vốn điều lệ cũng cần cho thêm số tiền tương ứng. (Tất nhiên sau khi in sổ chứng minh số tiền, bạn có thể rút ra để vận hành, hoạt động.)
Và đặc biệt, số tiền đó bắt buộc phải được chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Ví dụ, bạn sang Nhật 4 năm chỉ đi học, làm thêm chỉ đủ chi phí sinh hoạt, vậy tiền đâu ra 5 triệu yên thành lập công ty? Kể cả bạn nói gia đình, bạn bè cho mượn, hỗ trợ, vậy thì có giấy tờ chứng minh không? Nếu chưa đi làm, không chứng minh được nguồn gốc dòng tiền tại Nhật, thì tốt nhất là gia đình chuyển tiền quốc tế trực tiếp từ ngân hàng Việt Nam sang Nhật, nhớ là đừng bao giờ tiếc vài đồng chênh lệch tỉ giá, nếu không chiếc thẻ visa cũng sẽ tiếc nuối bạn đó 😙.
Tải ứng dụng chuyển tiền quốc tế Smiles – nhập mã A1-TMMJ4C để được nhận 500 điểm thưởng.
Thành lập công ty phải có trụ sở, nhưng thông thường các chủ nhà trọ sẽ không cho bạn quyền hạn sử dụng làm văn phòng, chính vì vậy bạn phải tìm được địa điểm làm văn phòng công ty. Có thể là mặt bằng quán bạn thuê, có thể là nhờ nhà người quen, thuê văn phòng ảo cho đỡ chi phí…
Quay lại việc thuê mặt bằng, cũng nhờ “công đức vô lượng” của các bạn từng gây ra điều phạm pháp, không tuân thủ quy định pháp luật Nhật, không tuân thủ các quy định vô hình (manners) của xã hội Nhật, vô tình đã làm cho các chủ nhà người Nhật có ác cảm, định kiến với người nước ngoài, người Việt Nam. Việc thuê mặt bằng khó khăn hơn, cộng thêm việc công ty chỉ mới thành lập, chúng ta sẽ là sự lựa chọn cuối cùng trong số nhiều người thuê khác. Và, nếu họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài mình, vẫn còn một số nơi thử thách khó hơn bằng việc yêu cầu có người Nhật làm bảo lãnh liên đới.
Bảo lãnh liên đới? Tức là, công ty bạn sập, bạn gặp rủi ro ngoài ý muốn, bạn thất bại bỏ trốn về nước,…thì người Nhật bảo lãnh đó sẽ “hưởng đủ” – vậy nên tìm người này cũng khó ngang ngửa tìm người yêu vậy! Nói thêm, “người yêu Nhật” này cũng phải lý lịch sạch, có công việc rõ ràng, lương không quá thấp, và được công ty bảo hiểm Nhật điều tra rất kĩ càng mới được cấp phép làm bảo lãnh liên đới.
Tiếp câu chuyện nhà cửa, ở Nhật không biết từ bao giờ sinh ra khoảng phí gọi là “tiền lễ”. Bạn thuê nhà của owner, ngoài các tiền cọc như thường thấy tại Việt Nam, ở Nhật bạn tốn thêm tiền lễ: cảm ơn ông chủ đã cho tôi thuê nhà, mặt bằng ở đây 😃; số tiền này tương ứng 1 đến 2 tháng tiền nhà; cá biệt một số mặt bằng vị trí đẹp nhiều người thèm thì có thể nhiều hơn; tất cả số này về túi chủ nhà. Tiền cọc nhà trung bình khoảng 3-6 tháng tiền nhà, một số nơi lên đến 10 tháng, và con số này sẽ khấu hao 20-30% khi bạn trả mặt bằng – ác chiến chưa!
Ngoài ra, khi bạn trả mặt bằng không kinh doanh nữa cũng phải dọn dẹp sạch sẽ mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho chủ nhà. Và số tiền cho việc dọn dẹp, vứt rác này cũng không hề nhỏ, có khi lên đến 2-3 triệu yên (2-300man) và nhiều hơn vài lần nếu mặt bằng lớn, nằm trong toà nhà, trong trung tâm thương mại.
Tính sơ bộ chi phí thuê nhà, bạn cần bỏ ra 1 tháng tiền lễ, 6 tháng tiền cọc, 1 tháng tiền bảo hiểm, 1 tháng tiền phí môi giới BĐS, vị chi khoảng 9 tháng tiền nhà dù chưa kinh doanh được ngày nào. Với những vị trí sầm uất, đắt đỏ trên các thành phố lớn như Tokyo thì chi phí này sẽ cao hơn theo tỉ lệ thuận. Quán Bánh Mì Xin Chào đầu tiên tại Takadanobaba dù chỉ có 20m2 nhưng mất đến 10 tháng cọc, 2 tháng lễ, 1 tháng bảo hiểm, 1 tháng môi giới, tổng hết 14 tháng tiền nhà mà chủ nhà còn không quên bonus thêm yêu cầu tìm “người yêu Nhật” mang tên bảo lãnh liên đới.
Khó khăn vô cùng!!!
Tất cả các điều này dẫn đến các mặt bằng quán ăn Việt Nam thường ở vị trí không quá đẹp, đắc địa; vốn không dư dả nên trang thiết bị chưa được tốt, đầy đủ; việc vận hành sẽ gặp nhiều trục trặc do thiếu hụt kinh phí.
Liên hệ văn phòng luật của MPKEN để được hỗ trợ thủ tục thành lập công ty và xin visa quản lý kinh doanh với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận