Là chủ của một chuỗi cửa hàng Bánh Mì Xin Chào, anh Bùi Thanh Tâm có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc mở cửa hàng F&B tại Nhật. Anh đã chia sẻ lại kinh nghiệm từ những bước đầu tiên như chuẩn bị giấy tờ thành lập công ty, tìm mặt bằng…trên trang facebook cá nhân. Được sự đồng ý của tác giả, Tomoni xin đăng tải lại series này, hy vọng sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về con đường khởi nghiệp tại Nhật theo hướng mở nhà hàng.
Series gồm các phần như sau:
Phần 1: Thành lập công ty và xin visa kinh doanh.
Phần 2: Chuẩn bị xây dựng
Phần 3: Thi công
Phần 4: Lên Menu
Mời các bạn cùng theo dõi.
————————————————–
PHẦN 4: LÊN MENU
Menu chắc là thứ đầu tiên hiện lên trong đầu bạn khi bắt đầu lên ý tưởng kinh doanh F&B.
Tuy nhiên, menu để bán được ở Nhật cũng cần phải đa dạng, phong phú hơn ở Việt Nam để khách có thể chọn lựa, thay đổi khẩu vị đỡ nhàm chán. Đó cũng chính là lí do phần lớn các cửa hàng F&B ở Nhật có nhiều món hơn là các quán ở Việt Nam; Bánh Mì Xin Chào ban đầu cũng chỉ bán bánh mì, nhưng sau đó để phục vụ cho phát triển sau này, ngoài hơn 10 loại bánh mì khác nhau, bây giờ chúng mình có cả mì Quảng, bún, phở, và các loại nước, cà phê…
Nôm na, các cửa hàng F&B bên này là nhà hàng cũng không sai.
Chính vì lẽ đó, chủ quán gần như phải cân hết mọi thể loại, chẳng còn nào là bí kíp gia truyền, sự độc đáo được thừa hưởng 3 đời, gia vị đặc biệt,… Bạn phải là đầu bếp nấu ngon tất cả các món, hoặc khách không chọn bạn. Cuộc chơi khó khăn nhất từ lúc này: tìm khách, hiểu khách, giữ khách, tăng khách.
Xem thêm: Đăng ký giấy phép đủ điều kiện kinh doanh nhà hàng
Một chút tiểu tiết, nhưng cực kỳ quan trọng là hình ảnh. Để một quán ăn vận hành chỉn chu, không chỉ cần món ăn ngon, mà cả dịch vụ tốt; trong phần dịch vụ thì việc thẩm mỹ cực kỳ quan trọng. Như những phần trước đó mình liệt kê, việc quá nhiều khê, nhiều tiền trong việc chuẩn bị, xây dựng đã làm cho các chủ nhà hàng rơi vào trạng thái rỗng túi, mất dần kiên nhẫn, hoài nghi về bản thân, nên khâu hoàn thiện thường sẽ là khâu bị xem nhẹ, và cẩu thả; không đúng một tí nào.
Để thu hút thực khách, đặc biệt là khách Nhật thì trước hết bạn phải chuẩn chỉ hình ảnh, ngôn ngữ: hình ảnh phải đẹp, bắt mắt, và câu từ thể hiện cũng phải đúng, và gây thú vị cho người xem. Mình đã từng ăn những quán ăn của người Việt mà sai cả tiếng Nhật, tiếng Việt, trong khi tiếng Anh thì đề bảng hiệu “Rettautrant” – một sự thiếu chuyên nghiệp, gây khó chịu cho thực khách, đặc biệt khách bị OCD như mình 😅.
Đặt tên Nhật cho món ăn Việt Nam cũng là nghệ thuật. Đầu tiên phải đúng tiếng Nhật, thể hiện rõ nội dung món ăn, có kèm thêm giải thích, pha chút tò mò cho khách thì tốt nhất. Lúc lên menu, thay vì tìm cách dịch từ bánh mì thập cẩm – tức là nhiều thứ trộn lại, mix với nhau, thì mình chọn luôn cái tên bánh mì đặc biệt – special bánh mì cho vừa kêu, vừa đủ ý, mà tiếng Nhật, Anh, Việt gì đều thể hiện tròn trịa như nhau. Và đến bây giờ Special Bánh Mì là một trong những best seller của BMXC.
Một ví dụ nữa về đặt tên món ăn, khi đưa vào món mì Quảng cả team cũng phải đau đầu để lựa ra cái tên phù hợp. Cuối cùng, chúng mình chọn giữ nguyên từ Mì Quảng, phiên âm ra tiếng Nhật kèm theo hình ảnh bắt mắt, lời giải thích gây tò mò: Một loại mì Kishimen của Việt Nam, một đặc sản trứ danh của Đà Nẵng- Hội An, lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản,… Và mì Quảng hiện cũng là best seller của BMXC, khách hàng Nhật Việt đều thích.
Các món nước uống thuần Việt như trà đào cam sả, trà vải cam sả, …mình cũng tìm cái tên “đẹp” nhất, “kêu” nhất. Am hiểu về văn hoá bản địa là một lợi thế cho việc ra menu.
Lỗi thường mắc phải nhất của các nhà hàng F&B Việt là mang cả Việt Nam vào nhà hàng: kể cả hình ảnh, ngôn ngữ, bài trí, nguyên liệu, cách chế biến, lẫn cung cách phục vụ… Thực ra nó vẫn đúng, nếu khách hàng bạn hướng đến 100% là người Việt tại Nhật, hoặc người Nhật có liên quan đến Việt Nam. Còn đối với khách hàng Nhật thông thường, mình cam đoan họ sẽ không muốn vào vì cảm giác thiếu sự gần gũi, an toàn. Muốn lấy được khách hàng, phải hiểu được họ muốn gì, cần gì, sản phẩm đưa ra cũng cần nhớ câu thần chú BẢN ĐỊA HOÁ, mới mong tiếp cận được thị trường 130 triệu dân này.
Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép xuất khẩu đồ uống có cồn tại Nhật
Làm ra một menu không dễ, việc làm hình ảnh đẹp cũng tốn kém khá nhiều tiền, kể cả việc dịch thuật cũng đủ thứ khó khăn nếu chưa rành ngoại ngữ, nhưng đây là chi tiết hoàn hảo cuối cùng cho bức tranh. Các bạn đã cố gắng cho mọi thứ, kể cả tiền bạc, sức lực, tinh thần, đừng vì cố tiết kiệm ở phút cuối cùng mà làm nên tác phẩm kém hoàn chỉnh, bởi vì ai cũng muốn chiêm ngưỡng một bức tranh đẹp, cảm được nó họ mới có nhu cầu hỏi đến những gian khó bạn đã trải qua.
Đừng kể khổ về hành trình của mình dẫn đến tác phẩm thiếu này, hụt kia, người thân có thể cảm thông, còn khách hàng thì không.
Còn nếu vẫn còn lăn tăn nhiều thứ, hãy tìm đến #banhmixinchao, vì chúng mình sẽ cung cấp đầy đủ ấn phẩm, hình ảnh, phục vụ luôn cả việc thiết kế cửa hàng, làm tờ rơi, chương trình khuyến mãi…trong suốt thời gian các cửa hàng hoạt động. Hoàn thiện, chỉn chu, chuyên nghiệp, nhưng tiết kiệm cho túi tiền của bạn, giảm sự căng thẳng cho các nơ tron thần kinh, còn chờ gì mà không hợp tác cùng Bánh Mì Xin Chào?
Liên hệ văn phòng luật của MPKEN để được hỗ trợ thủ tục thành lập công ty và xin visa quản lý kinh doanh với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận