Làm kỹ sư tại Nhật Bản: Hồi ức của một kỹ sư CNTT – Phần 2

   Tomoni đã chia sẻ nhiều bài viết về câu chuyện của các bạn thực tập sinh tại Nhật, nhưng ngoài thực tập sinh, có rất nhiều bạn người Việt Nam sang Nhật làm kỹ sư cho các công ty về công nghệ thông tin. Hiện nay có rất nhiều công ty Nhật tuyển kỹ sư Việt Nam từ những người có kinh nghiệm đi làm tới các bạn sinh viên mới tốt nghiệp sang Nhật làm.

   Sang Nhật mà không biết tiếng, cũng ít thông tin được chia sẻ trên mạng, rồi đọc nhiều bài báo nói về môi trường áp lực khi đi làm tại Nhật làm nhiều bạn lo lắng. Vậy thì khi được tuyển để làm kỹ sư tại Nhật bạn cần phải chuẩn bị những gì? Hôm nay Tomoni xin được chia sẻ với các bạn bài viết của bạn Lê Hải Ni, một sinh viên khoa Công Nghệ Thông Tin của Đại Học Bách Khoa Hà Nội, sang Nhật theo dạng kỹ sư từ năm 2014.

   Bài viết này tổng cộng có 3 phần, một phần kể về kinh nghiệm cần có để tìm việc, hai phần để kể về kinh nghiệm cá nhân của tác giả.

   Đọc phần 1 ở đây.

   Làm kỹ sư tại Nhật Bản: Hồi ức của một kỹ sư CNTT – Phần 1

   Bạn có thể đọc phần “Những kinh nghiệm cần có” ở đây.

   Làm kỹ sư tại Nhật Bản: Những kinh nghiệm cần có


Phần 2: Công việc mơ ước tại Nhật Bản. Tuần đầu đặt chân sang Nhật

   Tại sao lại là tuần đầu tiên, vì nó là những cảm giác mới nhất về Nhật Bản, mang một chút bỡ ngỡ đan xen với những lo lắng mang theo từ Việt Nam. Dĩ nhiên nó sẽ khác hoàn toàn với tuần thứ 2, sau khi các bạn đã quen với các cửa hàng, đã có một số mối quan hệ. Những gì liên quan đến công việc mình xin được đề cập trong các bài tiếp theo, một phần có thể có trong bài này.

   Cuối ngày 30-10, sau khi làm thủ tục checkin xong, không có vấn đề gì cả, mình nhận vé máy bay, gửi hành lý và ngồi chờ đợi, chém gió với bạn bè ngoài sảnh một lúc. Khoảng 10h30 hay 11h gì đó mình bắt đầu vào khu vực làm thủ tục xuất cảnh. Ông ngoại mình tiễn mình, 2 ông cháu ôm nhau khóc. Mình khóc vì chưa báo đáp được gì cho ông thì mình đã bắn sang nước ngoài làm việc, thế đấy. Do ông nuôi mình từ bé nên mình coi ông như cha, thậm chí còn trên cả mức đó. Ông ngoại mình là một kỹ sư cơ khí, giỏi thực sự nên mình rất khâm phục(mặc dù cãi ông suốt vì 2 ông cháu đều bảo thủ). Tất cả những kiến thức, thành công, suy nghĩ, quan điểm của mình ngày hôm nay đều có ảnh hưởng từ ông mình rất nhiều.

   Do tất cả đã được chuẩn bị tốt nên mình cũng xuất cảnh không có khó khăn gì cả. Ngồi trong sảnh chờ đến gần 2 tiếng, chẳng có việc gì làm, chỉ có cầm điện thoại nhắn tin với bạn gái để giết thời gian. Rồi cuối cùng thì cái thời gian chờ đợi dai dẳng cũng qua, 12h30p mình lên máy bay hay bắt đầu cất cánh gì đó thì không rõ lắm. Bay mất 5 tiếng, mình vẫn tỉnh như sáo khi ngồi trên máy bay và không thấy hồi hộp lắm về việc sắp được đặt chân sang 1 quốc gia mới. Trên máy bay được phục vụ 1 bữa ăn nhẹ nhàng nhưng chẳng đáng là bao vì ngày hôm sau mình vẫn đói sôi cả bụng.

   Khoảng 7h30 máy bay hạ cánh tại sân bay Narita, Nhật Bản. Vậy là mình đã đặt chân đến Nhật Bản thành công. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống máy bay là lạnh vô cùng. Sân bay Narita lúc đó 17 hay 15 độ vậy, đối với 1 người vừa từ vùng đất nhiệt đới, buổi tối còn đang mặc quần đùi áo ngắn tay thì đổi thời tiết có phần khá bất ngờ. Bọn mình đi theo đoàn người tiến vào khi vực nhập cảnh. Chẳng có ai hướng dẫn cả, cứ đi theo thế thôi, thấy ai làm gì thì mình làm đấy. Tờ khai nhập cảnh thì xếp đầy trên bàn, có mẫu để viết theo đàng hoàng, chỉ việc chọn lấy 1 tờ và viết, ký vào sau đó đi nộp. Sau khi kiểm tra hết thông tin hộ chiếu, ngay lập tức mình được in thẻ ngoại kiều. Cảm giác cực kì bất ngờ khi thẻ được in nhanh như vậy.

2014-10-30 04.53.26

   Thủ tục nhập cảnh xong xuôi đến màn lấy hành lý, hơi lâu một chút vì mình chuẩn bị giấy tờ theo kiểu chậm mà chắc, đỡ phải chạy đi chạy lại nhiều lần. Mình chẳng mang theo gì nhiều, vài gói mỳ tôm, vài cục lương khô, ít bánh cáy kẹo lạc và một đống quần áo. Tuy nhiên thì mình có mang theo nửa cân thịt bò khô, giấu dưới đáy vali. Lúc kiểm tra hành lý mình cũng khá sợ bị mất nửa cân bò khô của mình vì người kiểm tra đã đưa hẳn giấy có “Tiếng Việt” về những thứ không được mang vào Nhật Bản trong đó có thịt và những thứ liên quan đến thịt. May sao họ lục cũng không kỹ lắm nên mình thoát. Nửa cân bò khô đấy đã giải toả cho mình khá nhiều trong thời gian đầu ở Nhật Bản.

   Ra khỏi cửa sân bay, có một anh thuộc công ty đối tác của công ty môi giới đón bọn mình. Anh này người nước ngoài, nói tiếng Anh và khá thân thiện. Bọn mình phải vào quán cafe nói chuyện, ăn sáng và chờ 1 người nữa từ Indo bay sang, sau bọn mình khoảng 2 tiếng. Tất nhiên là tiền ăn sáng và cafe vụ này cũng do anh kia trả và man hoá đơn về công ty. Không rõ là bao nhiêu, hình như là 500 yên 1 người, đối với bọn mình thì lúc đó là một số tiền khá lớn, vì cứ quy đổi ra tiền Việt mà tính thì cũng 100k chứ không phải ít. Khoảng 9h30, cậu Indo kia xuống máy bay, cả 3 người bọn mình ra chặn cửa ra để đón. Chờ cũng lâu nhưng vẫn đón được nên không có vấn đề gì to lớn hơn cả. Tên Indo này khá gầy còm, răng thì vổ lên vổ xuống và đang nẹp. Tuy nhiên sau này mình chơi khá thân với tên Indo đó, có cơ hội mình sẽ viết trong một bài khác về con người, đồng nghiệp tại công ty mình.

   Ngay sau đó anh đón được tên Indo, anh kia dẫn bọn mình mua vé xe buýt và đưa bọn mình về Yokohama. Vé khá đắt, khoảng gần 3000 yên tuy nhiên thì vẫn là anh kia trả tiền, bọn mình vẫn chưa phải móc ví ra. Đối với những người Việt Nam mới sang chắc ai cũng thấy đắt như mình thế thôi. Nhưng sau khi ở đây một thời gian thì mình thấy nó cũng bình thường như đi ô tô ở nhà vậy. Quy đổi ra thì tàu điện ở Nhật thông dụng như xe buýt, còn xe buýt ở Nhật thì tương đương với taxi hoặc xe khách đường dài ở VN vậy. 2 tiếng ngồi xe buýt thì bọn mình đến Yokohama, chị quản lý nhân sự ở công ty ra đón bọn mình(chị này 37 tuổi, đến guờ vẫn chưa có chồng). Và bọn mình bắt đầu bập bẹ tiếng Nhật, mặt ngu như bò đeo nơ. Mặc dù trước đó mình cũng luyện tập khá nhiều ở VN rồi đấy, mình từng thử phiên dịch cho 1 sensei người Nhật tại 1 võ đường nhưng vì đó là sở thích của mình nên mình thấy không khó khăn cho lắm. Tuy nhiên thì tiếng Nhật giao tiếp là một thứ hoàn toàn khác, trong sách vở không bao giờ có và chỉ có thể trải nghiệm tích luỹ qua chính những giao tiếp hằng ngày.

   Tiếp tục cuốc bộ ra tầu đi về Kamakura, sau đó là Yuigahama, ký túc xá của công ty mình ở đó. Tổng thời gian ngồi trên tầu khoảng gần 1 tiếng. Chả có gì nói chuyện nên cứ đuổi muỗi bắt ruồi và ngắm phong cảnh dọc đường. Về đến nhà gần 1h chiều nên chị quản lý nhân sự kia dẫn bọn mình đi ăn ở gần đấy. Giá mỗi suất ăn đến 1500 yên, đắt kinh người. Ngày bọn mình đặt chân sang Nhật là thứ 5. Nhưng bọn mình chưa phải đi làm ngay nên bọn mình có đến tận 5 ngày nghỉ ngơi, chơi dài cả cổ ra vì T2 tuần sau là lịch đỏ của nước Nhật, ngày lễ gì mình không nhớ lắm.

2014-10-30 13.55.22

   Mình với tên Indo được xếp cùng phòng. Sau khi sắp xếp đồ đạc xong xuôi, bọn mình ngắm nghía xung quanh khu vực kí túc xá khá là rộng rãi này. Không giống như trong ảnh gửi bọn mình hồi còn ở VN, cái ktx này khá là tã rồi, lại còn bẩn nữa. Phòng bếp thì toàn dầu dính nhớp, phòng đọc sách thì bụi bẩn và đồ đạc tùm lum. Được cái có wifi free nên mình đặt laptop, kết nối mạng và thông báo ngay về nhà là đã đến nơi an toàn. Khi đến đây mình mới nhận thấy là tất cả ổ cắm ở Nhật đều là chân dẹt, điện thoại và laptop mình nhanh chóng hết pin, thế là ườn người ra ngủ cả lũ. May sao đến tối, mấy anh Việt Nam cùng công ty gửi về ktx mấy cái ổ đổi chân tròn sang chân dẹt, thế là bọn mình có cái để nghịch đến ngày hôm sau. Mấy ông người tầu ở ktx dẫn bọn mình đi ra Lawson ở gần đấy mua cơm hộp để ăn tối, sinh hoạt lại trở về bình thường.

2014-10-31 08.39.41

   Thứ 6 là ngày bọn mình phải đi làm thủ tục ở Shiyakusho. Bọn mình được phát cho mỗi người một hộp con dấu để đi ra ngân hàng đăng ký tài khoản và ra toà thị chính làm thủ tục lưu trú. Thủ tục thì cũng vẫn là chị quản lý nhân sự hướng dẫn làm, đến giờ thì mình cũng chẳng nhớ là mình viết những cái gì vào mấy cái giấy tờ hồi trước vì toàn kanji mình đọc chả hiểu. Cũng may là ở Nhật không có hoặc ít khi có vụ lừa lọc giấy tờ như ở VN nên mình cứ ký và đóng dấu đại đi, còn lại thì chị kia lo hết. Xong việc, bọn mình đi về KTX và nghỉ ngơi chơi bời, mình cứ lên mạng chém gió thôi, chém gió chán thì ngồi chơi game. Cái thú vui chơi game của mình cũng biến mất đến gần 1 năm ngay sau khi vào công ty làm việc chính thức.

ky su

   Chủ Nhật, các anh Việt Nam cùng công ty hoặc đã làm ở công ty đến ktx tổ chức một bữa lẩu chào đón bọn mình. Khá là đông người Việt Nam, một số người còn làm tại công ty, một số đã chuyển sang công ty khác. Nhưng ít ra thì cũng đã có một cái cộng đồng nho nhỏ như thế làm cho mình cảm thấy không lạc lõng ở đây cho lắm.

   Hai ngày thứ 7 và thứ 2 bọn mình ngồi nhà chơi cả ngày, ăn mì tôm hoặc ra Lawson mua đồ ăn nên không có gì đáng đề cập thêm.

2014-10-31 20.37.06

   Thứ 3 tuần sau đó là ngày đầu tiên đi làm của mình tại công ty mới. 9h30 sáng bọn mình phải có mặt ở công ty để lo các thủ tục liên quan. Do khá nóng lòng nên bọn mình dậy tương đối sớm, lại ngồi nghệt mặt ra chẳng có gì làm chờ mấy ông Tầu ở ktx dậy đánh răng rửa mặt mới dẫn bọn mình đến công ty.

kayac

   Công ty mình toạ lạc ở trên tầng 30 toàn nhà Mitsui Building, cảm giác đầu tiên khi đến đây là công ty có vẻ khá trẻ và năng động. Cái con linh vật của công ty kia là con konchi, nói lái cả chinko là cái gì chắc chả mấy ai biết đâu. Nhưng nhìn hình dáng chắc mọi người cũng chẳng lạ nó là cái con gì phải không nào.

   Tiếp đó là các màn tiếp đón bình thường và sau đó là làm thủ tục gia nhập công ty. Thủ tục chính bao gồm các việc như giải thích hợp đồng chính thức, các điều luật cần biết tại Nhật Bản, bảo mật thông tin vv…v. Bọn mình cũng chỉ nắm được phần nào đó vì nhiều đoạn tiếng Nhật lẫn tiếng Anh đều không hiểu hết. Được chiêu đãi 1 hộp bento và 1 chai nước trong giờ nghỉ trưa. Đến khoảng 3h chiều, bọn mình đứng lên trước micro và nói vài câu giới thiệu đơn giản. Mình cũng có chuẩn bị 1 đoạn giới thiệu khá dài nhưng sau đó thì mình quên sạch nên chỉ nói đơn giản là “Tôi là kỹ sư Unity đến từ Việt Nam, mong mọi người giúp đỡ”. Mọi người vẫn cứ ngồi làm việc như thường, chả ai quan tâm lắm, chỉ biết là có nhân viên mới. Nhận máy tính, màn hình và đi đến chỗ làm việc xong, mình được 1 anh Việt Nam hướng dẫn những thứ cơ bản đầu tiên. Ngồi vêu mồm lên không biết có việc gì để làm. Đến khoảng 6 rưỡi tối, chuông đồng hồ điểm lên nhưng vẫn thấy mọi người ngồi im như thóc. Và mình cũng tương tự, phải cố ngồi đến 8r tối và rủ tên Indo về cùng. Thắc mắc đầu tiên đến với mình sau buổi làm việc hôm đó là tại sao phải ngồi chơi trong khi có thể về đúng giờ. Chính cái việc ngồi chơi này đã làm mình stress ngay trong tuần làm việc tiếp theo, mình sẽ kể trong phần sau.

   Tuần làm việc đầu tiên qua đi nhanh chóng khi mình bắt đầu làm quen với việc mới, quen với những kĩ thuật mới mà trước giờ mình chưa bao giờ làm. Các phần liên quan đến kỹ thuật mình xin không được đề cập ở đây vì chắc mọi người đọc cũng khó hiểu. Các bạn thấy quá trình xuất ngoại làm kỹ sư tại Nhật Bản cũng khá đơn giản phải không nào. Nếu muốn mọi thứ đơn giản, hãy nghĩ rằng nó đơn giản, đó là cách nhanh nhất.

   Cuối bài, mình xin được trả lời một số câu hỏi nói chung mà có vẻ nhiều người đặt ra trong bài các comment của bài viết trước.

   ・Câu hỏi về trình độ tiếng Nhật của mình: Mình chính thức học tiếng Nhật từ con số 0 vào ngày 16/6/2014. Thời lượng học trên lớp của mình là 3 tháng. Các bạn ai hay quan tâm đến các chứng chỉ cũng biết rằng có 2 kỳ thi tiếng Nhật, mình nhớ láng máng là vào tháng 7 và tháng 12 gì đó. Nghĩa là có đến tận cuối tháng 7 thì mình mới chỉ học được hơn 1 tháng rưỡi, có cày như trâu đất và luyện thi liên tục thì may ra mới kịp để đạt được N5. Mà mình nhớ rằng hình như hạn đăng ký chỉ đến cuối tháng 6 thì phải. 31/10/2014 mình đã có mặt ở Nhật nên chắc chắn không thể tham gia được kì thi tháng 12 tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc khi sang Nhật thì mình chẳng nắm trong tay một chứng chỉ tiếng Nhật nào cả. Và đến thời điểm hiện tại, khi mình đã ở đây được gần 1 năm thì mình vẫn chưa có một chứng chỉ tiếng Nhật nào cả. Phần thì vì công việc bận chả học được, phần thì vì lười học cộng với lười đi thi. Mà cái phần lười thì lớn hơn.

   ・Về chi phí tổng cộng sang Nhật của mình: Chi phí dịch và công chứng giấy tờ hình như mất gần 1 triệu gì đó. Cái này chắc ai cũng phải làm nên đây coi như là chi phí bắt buộc, đi nước nào, du học sinh, thực tập sinh, kỹ sư hay gì thì cũng thế cả thôi. Sau khi tổng hợp hồ sơ xong, gửi sang bên Nhật, chờ giấy tờ về thì đến lúc làm visa. Lệ phí làm visa kỹ sư là 200k hay 300k mình cũng không nhớ lắm. Tổng cộng có mỗi thế. Tiền phí cho công ty môi giới là 0 đồng, vé máy bay mình cũng không phải mua, tiền học tiếng cũng không phải trả. Tại sao lại có thể như vậy thì sau khi sang Nhật mình mới biết. Công ty mình bên này phải trả cho công ty môi giới 300man cho mỗi người tuyển được. Đó là chi phí cho mỗi 1 kỹ sư tại Nhật Bản nói riêng hay lao động chất lượng cao nói chung.

   ・Những gì mình mang theo khi sang Nhật: 1 chiếc laptop, 1 chiếc điện thoại di động(cái này sang Nhật chỉ để làm đồng hồ báo thức), mình mang khoảng 5 man vì ngay ngày kí hợp đồng với công ty, mình được công ty ứng trước lương 10 man để tiêu trong 2 tháng, số tiền này sẽ được trừ vào lương của 5 tháng tiếp theo. Ngoài ra mình chẳng mang gì nhiều, chủ yếu là đồ ăn vặt, giấy tờ quan trọng cùng với ít quần áo.

   ・Câu hỏi ngoài lề: Mình sinh năm 92, tính đến năm 2015 là 23 tuổi. Mình bắt đầu học lớp 1 từ khi 5 tuổi nên mọi người thấy lạ rằng mình tốt nghiệp kỹ sư từ năm 2014. Nhưng đấy cũng chẳng phải chuyện to tát gì vì cùng lớp mình còn đến 3 thanh niên khác cũng sinh năm 92 nên mình thấy cái việc học trước tuổi nó cũng bình thường. 3 thanh niên kia hiện nay mình cũng không rõ đang làm việc ở đâu nhưng 1 người thì đi sang Pháp du học từ khi kết thúc năm 1 đại học, 1 người đang nghiên cứu thạc sĩ tại Ba Lan, còn 1 người hình như cũng đang làm leader tại 1 công ty khá lớn thì phải. Vì vậy mình nghĩ rằng xuất phát điểm sớm, mặc dù phải cố gắng hơn so với sức của mình nhưng kinh nghiệm thu lại rất nhiều. Ai chơi RPG chắc cũng biết, cày vượt cấp luôn lên level nhanh đúng không 🙂

2014-12-30 16.33.33

Tác giả: Lê Hải Ni
Bài viết: http://vijaexpress.com/lam-ky-su-tai-nhat-ban-hoi-uc-cua-mot-ky-su-cntt-phan-2/

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...