Ở phần thứ 4 này, chúng ta sẽ xem xét giai đoạn từ sau chính quyền Koizumi cho đến khi kết thúc giai đoạn cầm quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ (từ năm 2006 ~ năm 2012). Đây là giai đoạn có nhiều biến động với sự chuyển giao quyền lực sang Đảng Dân chủ Nhật Bản và cú sốc Lehman.
Đọc thêm 2 kỳ trước tại đây:
Kinh tế Nhật Bản thời kỳ Heisei (Phần 1)
Kinh tế Nhật Bản thời kỳ Heisei (Phần 2)
Kinh tế Nhật Bản thời kỳ Heisei (Phần 3)
Tháng 8/2009, Đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ đã có một chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Hạ viện, bắt đầu giai đoạn chuyển giao chính quyền dựa trên liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Nhân dân mới. Những gì mà DPJ dự định làm được thể hiện rõ ràng trong cương lĩnh tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện. Một số đặc điểm chính của cương lĩnh này như sau:
Thứ nhất là sự chuyển đổi từ việc tập trung xây dựng chính sách trong bộ máy hành chính sang việc chính sách do đảng chính trị lãnh đạo. Điều này được nhấn mạnh rõ ràng trong bản cam kết của Đảng. Ngay từ phần đầu, bản cam kết đã đưa ra “5 nguyên tắc” và “5 biện pháp”, 8 trong số 10 phương châm cốt lõi này có liên quan đến việc xóa bỏ quan liêu và chuyển sang lãnh đạo chính trị. Có vẻ như Đảng Dân chủ cho rằng sự tập trung quan liêu là nguồn gốc của các vấn đề hiện có.

Ông Yukio Hatoyama (người đứng bên trái) khơi dậy động lực thay đổi chính phủ tại đại hội thường kỳ Đảng Dân chủ tháng 1/2008
Thứ 2 là cam kết màu hồng với nguồn chi ngân sách lớn. Một trong số những nội dung chi tiêu lớn như “trợ cấp trẻ em” (hỗ trợ hàng tháng 26.000 yên/trẻ cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở), “miễn học phí trung học phổ thông”, “bãi bỏ các mức thuế tạm thời như thuế xăng dầu”, “Miễn phí phí cao tốc”. Tổng số tiền cần thiết để thực hiện các chính sách này là 7,1 nghìn tỷ yên trong năm đầu tiên, lên đến 12, 13 nghìn tỷ yên trong những năm sau đó.
Điểm thứ 3 là chưa hề có chiến lược về chính sách kinh tế vĩ mô. Đảng cầm quyền cho rằng chỉ cần thực hiện được các chính sách ghi trong bản cam kết thì dĩ nhiên sẽ đạt được một nền kinh tế đáng mơ ước. Lập trường này đã bị chỉ trích là “không có chiến lược tăng trưởng”, “không có chính sách vĩ mô”, do vậy tháng 12/2009 Nội các Hatoyama đã quyết định một “chiến lược tăng trưởng mới” (như là một chính sách cơ bản). Trong chiến lược tăng trưởng này, ý tưởng về “mức độ hạnh phúc” đã xuất hiện. Cụ thể, người tiêu dùng có mưu cầu cải thiện sự hạnh phúc, do đó chính phủ sẽ đưa ra một thước đo hạnh phúc tiêu chuẩn và nỗ lực cải thiện chỉ số này.
Sau giai đoạn chuyển giao quyền lực, Đảng Dân chủ cầm quyền liên tục thay đổi thủ tướng trong thời gian ngắn, từ Hatoyama sang Kan rồi đến Noda, làm mất đi sự ủng hộ và bị Đảng Dân chủ Tự do LDP đánh bại trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 12/2012.
Trải nghiệm về sự thất bại này đã tạo ra một định kiến trong suy nghĩ của người dân là ”không thể giao phó quản lý chính sách cho Đảng đối lập”. Vì sao Đảng Dân chủ thất bại? Ngoài 3 đặc điểm kể trên còn có các nguyên nhân sau.
Điểm thứ nhất là Đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ đã mắc sai lầm trong cách tiếp cận với bộ máy hành pháp. Các công chức dưới thời chính quyền Đảng Dân chủ Tự do LDP dường như tuân thủ và ủng hộ chính sách quản lý của Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, thật ra họ không ủng hộ LDP, họ chỉ đơn giản là ủng hộ Nội các mà khi đó LDP đang cầm quyền. Đảng Dân chủ lẽ ra nên truyền đạt các chính sách của mình và kiểm soát bộ máy hành chính tốt hơn.
Điểm thứ 2 là trợ cấp nguồn lực tài chính lỏng lẻo. Tất nhiên, Chính phủ chủ trương chi tiêu nên cũng đưa ra các đề xuất về nguồn tài chính. Cụ thể một số chính sách như: “Tiết kiệm” (cắt giảm các công trình công cộng 9.1 nghìn tỷ yên), “Rút dần tài sản của chính phủ” hay còn gọi là “kho báu bị cất giấu”, “Xem xét xử lý thuế đặc biệt” (2.7 nghìn tỷ yên)…Đối với chính sách “Tiết kiệm”, việc phân chia công khai lại các dự án đã được đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế thì các biện pháp tài chính này không hiệu quả, và những chính sách trong bản cam kết ban đầu đã lần lượt bị cắt giảm đáng kể.
Nguyên nhân thứ 3 là sự tiếp tục của cách chính sách kinh tế mang tính bột phát. Chiến lược tăng trưởng nhấn mạnh vào hạnh phúc gần như biến mất trong quá trình thay đổi từ Nội các Kan sang Nội các Noda. Ngoài ra, việc Thủ tướng Kan bất ngờ tuyên bố “Tăng thuế tiêu dùng lên 10% để tái thiết tài khóa”, và đưa ra khẩu hiệu “Mở cửa đất nước lần thứ 3” đã làm dấy lên nghi ngờ liệu có phải là chính sách kinh tế nhất quán của một đảng hay không.
Khủng hoảng tài chính thế giới (Cú sốc Lehman) xảy ra ở Mỹ vào tháng 9/2008, trước khi Đảng Dân chủ lên nắm quyền, nhưng chính quyền Đảng DPJ vẫn chịu những tác động tiêu cực do cuộc khủng hoảng mang lại.
Cú sốc Lehman được kích hoạt bởi sự gia tăng các khoản vay dưới chuẩn của Mỹ. Cuộc khủng hoảng xảy ra trong bối cảnh giảm lãi suất dài hạn, giá nhà liên tục tăng → ngân hàng tăng các khoản cho vay mua nhà và thế chấp các khoản vay với mục đích giảm gánh nặng cho người đi vay và giảm thiểu rủi ro.
Việc này nhìn qua tưởng chừng như sẽ đem lại sự hài lòng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2006, giá nhà đã đạt đến điểm bão hòa, tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên, giá của các tài sản thế chấp cho vay giảm mạnh dẫn đến tổn thất lớn cho các tổ chức tài chính.
Có rất nhiều người mặc định rằng chính phủ sẽ can thiệp khi Lehman Brothers – ngân hàng đầu tư lớn rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, Lehman Brothers chính thức phá sản. Cú sốc Lehman đã làm cho hệ thống tài chính toàn cầu lung lay, thị trường tiền tệ bị cạn kiệt.
Trong một thời gian sau sự kiện ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, người ta cho rằng kinh tế Nhật Bản sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng. Đúng là ảnh hưởng về mặt tài chính tương đối nhẹ, nhưng tác động về mặt kinh tế thì còn lớn hơn cả Mỹ – nơi trung tâm của cuộc khủng hoảng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã âm trong 2 năm liên tiếp 2008 và 2009.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã phản ứng với tốc độ chưa từng có để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ngân hàng TW Nhật Bản cũng đưa ra các chính sách như: “Áp dụng lãi suất bằng 0” (đưa lãi suất về khoảng 0~01%) → “Xác định khung thời gian” (tiếp tục chính sách lãi suất bằng 0 cho đến khi tỷ lệ lạm phát đạt 1%) → “Tiếp tục nới lỏng định lượng” → “Mua vào các tài sản rủi ro” (ngoài cổ phiếu còn có thêm các tài sản rủi ro khác như J-REIT)→”Ban hành chính sách cùng chính phủ đạt mục tiêu tỷ lệ lạm phát 1%”.
Cuối cùng, tôi xin được tóm tắt lại những bài học rút ra được trong giai đoạn này như sau.
Đầu tiên, là tầm quan trọng của các chính sách của Đảng đối lập. Đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ thất bại vì họ đã không chuẩn bị các chính sách thực tế cần thực hiện sau khi lên cầm quyền, cũng như đã không xây dựng một hệ thống phù hợp để thực hiện các chính sách này. Điều này có thể là các chính sách không được thảo luận kỹ càng trong các cuộc trao đổi vấn đáp hàng ngày.
Trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản năm 2011 đã gây thiệt hại lớn cho khu vực ven biển Thái Bình Dương của vùng Tohoku.

(Ảnh chụp tại thành phố Kesennuma, Tỉnh Miyagi)
Điều thứ hai, xử lý bong bóng kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sự gia tăng các khoản cho vay dưới chuẩn và sự tăng giá nhà đất dẫn đến vụ phá sản của Lehman Brothers là những yếu tố mang tính chất bong bóng.
Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp vỡ bong bóng ở Nhật Bản, ngay cả ở Mỹ, người ta cũng không thể nhận thấy bong bóng đang xảy ra và trì hoãn việc sử dụng ngân sách công. Có thể nói, làm thế nào để đối phó với bong bóng là một bài toán chưa có lời giải trên toàn thế giới.
Điều thứ 3, nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng khi đề xuất một chính sách tăng chi tiêu cần phải đi kèm với cách xử lý nguồn thu tương ứng. Đảng Dân chủ mở rộng chi tiêu công với những hứa hẹn màu hồng nhưng cuối cùng phải trả giá bằng thâm hụt ngân sách vì không đảm bảo được nguồn thu. Nhưng thảo luận về nguồn thu ngân sách cũng chính là tìm cách đặt gánh nặng lên vai người dân, do đó rất khó xử lý về mặt chính trị. Tuy nhiên, nếu tránh né thì ngân sách sẽ bị thâm hụt và trở thành gốc rễ của các vấn đề trong tương lai.
(Còn tiếp)
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
![]()
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận