Giải mã nghề nhân sự tại Nhật: Công việc thực tế và những kỹ năng cần có

Nghề nhân sự từ lâu đã luôn là một nghề được nhiều bạn quan tâm và muốn tìm hiểu. Trong bài viết dưới đây, Tomoni sẽ giới thiệu cho các bạn biết về các công việc cơ bản mà các nhân viên phòng nhân sự trong các công ty Nhật thường đảm nhận, cũng như những kỹ năng cần có để có thể làm công việc này nhé. Tuỳ vào từng công ty cũng như kinh nghiệm, cấp bậc (trưởng phòng nhân sự hay nhân viên mới vào,…) mà có thể các công việc thực tế sẽ khác nhau nên các bạn lưu ý nhé. 

1. Các công việc cơ bản

Tuyển dụng 

Mảng công việc đầu tiên mà người làm nhân sự thường đảm nhận là tuyển dụng nguồn nhân lực cần thiết dựa trên kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp. Người làm nhân sự sẽ chịu trách nhiệm đề xuất chiến lược tuyển dụng dựa trên tình hình kinh tế và nguồn lực của công ty. Ví dụ như đề xuất chiến lược tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp năm nay để tạo nên nguồn nhân lực trẻ cốt cán cho công ty cho vài năm sau, hay tuyển những nhân viên đã có kinh nghiệm thực tế có thể làm việc luôn không cần thông qua đào tạo để lấp một số vị trí còn thiếu nhằm tăng tính cạnh tranh cho công ty. 

Công việc thông thường của người làm nhân sự là liên lạc với công ty giới thiệu nhân sự để nhờ tìm ứng viên, hay soạn và đăng tin tuyển dụng trên các trang tin việc làm, tham dự hội thảo việc làm, tổ chức và chủ trì các buổi giới thiệu việc làm hay sự kiện của công ty,vv…  Không những chịu trách nhiệm điều phối tuyển dụng ứng viên mà người làm nhân sự còn phải theo dõi hỗ trợ quá trình gia nhập công ty của nhân viên mới cũng như giúp nhân viên mới quen với cách làm việc của công ty trong thời gian đầu. 

Đọc thêm: 
Cảm ơn trong văn hoá công sở Nhật
Cách viết email xin lỗi trong công ty Nhật

Đào tạo nhân lực

Sự trưởng thành của mỗi cá nhân trong công ty liên quan trực tiếp đến thành công hay thất bại của công ty. Do đó, việc đề xuất chương trình đào tạo cũng như hỗ trợ nhân viên mới phát triển khả năng của mình cũng là công việc của người làm nhân sự. Người làm nhân sự cần hiểu được nhu cầu cũng như những rắc rối trong công việc thường ngày của nhân viên, sau đó đề xuất ra phương án đào tạo phù hợp theo từng thời kỳ. Người làm nhân sự cần phải hiểu được nhu cầu riêng của từng nhân viên bao gồm nhân viên mới, nhân viên nòng cốt và nhân viên quản lý để đề ra những phương thức phù hợp nhằm phát triển khả năng của từng người. 

Ngoài ra nhân viên làm mảng nhân sự cũng phải chịu trách nhiệm nhiều công việc liên quan đến đào tạo nhân viên mới cũng như liên kết với các doanh nghiệp khác để cùng tổ chức điều phối chương trình đào tạo. 

Quản lý và đánh giá hệ thống nhân sự

Người làm nhân sự cũng phải đảm bảo đánh giá chính xác năng lực của từng nhân viên từ đó đề ra cách thức thưởng xứng đáng cho những nhân viên giỏi. Đây là một công việc vô cùng quan trọng. Ngoài thiết kế hệ thống theo dõi mục tiêu, hệ thống đánh giá và thăng chức, hệ thống lương, người làm nhân sự cũng cần phải biết cách nâng cao động lực làm việc cho nhân viên đồng thời đảm bảo môi trường làm việc cạnh tranh công bằng cho tất cả nhân viên. Việc tạo nên một môi trường thân thiện để nhân viên có thể thoải mái làm việc và phát triển cũng là một công việc quan trọng. 

Quản lý lương, giờ làm 

Tuỳ vào từng công ty mà người làm nhân sự có thể phải chịu trách nhiệm cả những vấn đề liên quan đến hệ thống lao động. Cụ thể hơn, người làm nhân sự sẽ chịu trách nhiệm tạo và quản lý giờ làm, tính lương, thủ tục bảo hiểm xã hội, thủ tục phúc lợi xã hội, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân viên, theo dõi quản lý quan hệ lao động hay tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên. Đặc biệt đối với quốc gia có tỷ lệ nhân viên đột tử do làm việc quá sức như Nhật Bản, người làm nhân sự cũng cần phải quan tâm đến tình hình sức khỏe tinh thần của nhân viên. Như vậy, người làm nhân sự cũng cần phải có kiến thức rộng trong mảng luật lao động.

Đọc thêm: 
Tìm hiểu về công việc nhân sự trong công ty Nhật
Tìm hiểu về nghề nhân sự trong công ty Nhật

2. Những kỹ năng cần có của người làm nhân sự 

Khả năng thu thập thông tin

Người làm nhân sự cần phải nhạy bén trước tất tần tật những thông tin liên quan đến con người hay xu hướng của xã hội. Không chỉ giới hạn những thông tin về mong muốn hay khó khăn của nhân viên, việc nắm bắt những phàn nàn của nhân viên để hiểu tình hình tổng quan là điều cần thiết. Để được như vậy thì người làm nhân sự phải có được sự yêu quý và tin tưởng của nhân viên. Ngoài ra, việc tham gia cộng đồng nhân sự cũng rất quan trọng giúp người làm nhân sự thu thập thêm thông tin về xu hướng của xã hội. Tham gia cộng đồng nhân sự từ các công ty khác giúp người làm nhân sự có thể học hỏi thêm từ các công ty khác hay những thông tin quan trọng như sự thay đổi trong quy định của Chính phủ. Có thể nói, liên tục cập nhật thông tin mới là công việc quan trọng của người làm nhân sự.

Khả năng giao tiếp (lắng nghe, truyền đạt thông tin)

Công việc nhân sự đòi hỏi việc giao tiếp liên tục cả trong và ngoài công ty nên khả năng lắng nghe, truyền đạt thông tin là vô cùng cần thiết đối với người trong ngành. Người làm nhân sự đóng vai trò cầu nối giữa các nhân viên thuộc các phòng ban khác nhau trong một công ty. Khả năng làm thân với nhân viên, lắng nghe, đưa ra quan điểm và truyền tải triết lý kinh doanh của công ty đóng vai trò quan trọng trong quá trình đoàn kết công ty. 

Người làm nhân sự cũng được ví như bộ mặt của công ty nên việc biết cách giao tiếp, giao tiếp rộng là một đặc điểm người làm nhân sự cần phải có. Tính chất công việc nhân sự cần liên tục trao đổi với các công ty tuyển dụng hay công viên tư vấn đào tạo nhân viên nên hiểu biết rộng, biết cách ứng biến với đối tác có chuyên môn khác nhau cũng là một phẩm chất cần có của người làm nghề nhân sự. 

Đọc thêm:
Văn hoá công ty Nhật: Để giao tiếp tốt trong công ty Nhật
NOMINICATION- Hình thức giao tiếp quan trọng trong công ty Nhật

Khả năng xây dựng chiến lược

Ngoài xây dựng nội bộ công ty vững chắc, người làm nhân sự cũng cần phải hiểu rõ xu thế của xã hội để đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu giúp công ty đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Khả năng phân tích khách quan vấn đề, xu hướng của xã hội giúp nhà nhân sự đề ra những chiến lược phù hợp có lợi cho sự phát triển của công ty hơn. 

Khả năng làm nhiều việc cùng một lúc

Như Tomoni đã giới thiệu ở trên, người làm nghề nhân sự sẽ phải phụ trách rất nhiều công việc cùng một lúc. Đặc biệt, tại các công ty quy mô vừa và nhỏ thì một người làm nhân sự sẽ phải phụ trách gần như mọi thứ trong công ty. Do đó việc kết hợp giải quyết các công việc thông thường và các công việc xảy ra đột ngột là khả năng cần có của người làm nhân sự.

Ý thức tuân thủ nội quy cao

Nhân sự là nghề liên quan đến pháp luật nên việc tuân thủ nội quy là điều vô cùng cần thiết đối với người làm nhân sự. Đặc biệt trong thời đại số, chỉ cần một lỗi sai nhỏ cũng có thể khiến cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nên người làm nhân sự cần có hiểu biết đúng đắn tuân thủ quy định và có khả năng tạo ra một môi trường không xảy ra vi phạm. 

Link bài viết: Theo Forbes Japan

ĐĂNG KÝ THAM GIA ONLINE MEETUP “TRÒ CHUYỆN VỀ NGHỀ NHÂN SỰ”

—> Link đăng ký: Bit.ly/seminar-mpken

Nghề nhân sự – công việc giúp kết nối các công ty cần người với các ứng viên cần việc – luôn là công việc nhận được sự quan tâm chú ý của rất nhiều bạn du học sinh đang trong quá trình tìm kiếm việc làm tại Nhật. Trong vài năm trở lại đây, cùng với nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài ngày càng tăng cao, các công ty giới thiệu việc làm xuất hiện ngày càng nhiều thì nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về công việc này của các bạn lại càng tăng cao.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về nghề nhân sự của các bạn sinh viên sắp ra trường, cũng như tạo ra một diễn đàn để các bạn sắp và mới bước chân vào nghề này có thể cùng trò chuyện và trao đổi thêm những khó khăn, vướng mắc trong nghề, trong buổi Online Meetup đầu tiên của series nhiều kỳ về chủ đề “TRÒ CHUYỆN VỀ NGHỀ NHÂN SỰ”, MPKEN sẽ cùng các khách mời đã và đang làm việc tại các công ty giới thiệu việc làm (人材紹介)của Nhật trò chuyện và chia sẻ về nội dung công việc thực tế, những khó khăn & niềm vui cùng những kỹ năng có được khi làm việc trong ngành này.

=================

*** THÔNG TIN SỰ KIỆN:

– Thời gian: 10h-12h sáng ngày 30/1 (thứ 7) (giờ Nhật Bản)

– Hình thức: Online qua Zoom

– Link đăng ký: Bit.ly/seminar-mpken

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...