Bạn là một du học sinh (viết tắt: DHS) tự túc đang du học tai các trường tiếng ở khắp mọi nơi trên đất Nhật? Bạn đang ở Việt Nam và mang trong mình giấc mơ du học nhưng gia đình không mấy có điều kiện?
Vậy có lẽ bạn đã từng nghe được những lời mời chào vô cùng hấp dẫn về thiên đường du học Nhật Bản như:
– Không cần nhiều tiền vẫn đi du học Nhật Bản được. Sang vừa học vừa làm tháng cũng bét được 30-40 triệu?
– Nhật dân số già khan hiếm lao động, học trường tiếng ra tha hồ xin việc rồi chuyển visa lao động, vài năm định cư luôn bên đó?
Có lẽ chính bởi sức hấp dẫn từ những điều kiện trong mơ này, mà những năm gần đây, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật tăng lên chóng mặt. Hiện nay, số lượng DHS Việt Nam hiện đang học tại các trường/cơ sở giáo dục của Nhật đã lên tới con số 75000 người, vượt trên cả Trung Quốc và trở thành quốc gia có số lượng DHS đông đảo nhất tại Nhật Bản hiện nay.
Trong số rất nhiều các trung tâm du học Nhật Bản đang mọc lên như nấm ở VN hiện nay, có không ít các trung tâm đưa ra những lời mời chào hấp dẫn mà Tomoni vừa để cập tới ở phần trên để thu hút các em học sinh, đặc biệt là các em không có điều kiện nhiều về kinh tế tìm tới trung tâm mình.
Nhưng liệu những điều kiện đó có khả thi hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn nhé.
Đối với các bạn DHS quyết định chọn đi Nhật theo con đường du học tự túc, thì việc tìm kiếm công việc làm thêm có thu nhập ổn định, giúp trang trải học phí – sinh hoạt phí sau khi sang tới Nhật có lẽ là mối quan tâm hàng đầu. Dưới đây là danh sách các công việc làm thêm phổ biến với DHS ở Nhật.
– Ưu điểm: Không cần biết tiếng và có ca đêm nên thuận lợi cho các bạn mới sang. Tuy nhiên, chỉ thích hợp với các bạn có thể lực tốt do công việc khuân vác rất vất vả
– Nhược điểm: Mệt mỏi, mất sức hơn các công việc khác nên nếu làm quá nhiều sẽ dễ bị mệt mỏi khi đi học vào hôm sau. Không thích hợp với các bạn muốn rèn luyện tiếng qua việc đi làm thêm.
– Mức lương ngang với mặt bằng chung, khoảng 900-1000y/tiếng (tương đương khoảng 200k) và có up cho ca đêm.
– Cách tìm: Những công việc này thường không tuyển trên mạng mà thường do trường tiếng hoặc các DHS đang làm sẵn tại các kho giới thiệu cho bạn bè. Vì vậy, cách tốt nhất là hỏi các thầy cô hỗ trợ DHS ở trường tiếng nơi mình theo học, hoặc các anh chị khóa trước mà mình quen biết hoặc học cùng trường giới thiệu giúp.
Tuỳ quán ăn mà yêu cầu khả năng tiếng khác nhau, tuy nhiên thường các bạn phải cỡ N3 trở lên (đã học tiếng Nhật khoảng 9-12 tháng) mới có thể làm bồi bàn, mang đồ ăn ra cho khách, nhận order món của khách. Còn các quán chấp nhận tuyển cả các bạn mới sang không biết tiếng nhiều thì thường chỉ cho chân dọn dẹp, rửa bát, phụ cắt rau, thái hành trong bếp.
– Ưu điểm: Đối với các bạn được làm bồi bàn thì sẽ giúp bạo dạn, tăng khả năng giao tiếp hơn. Một số quán cho kèm ăn tại quán miễn phí nên tiết kiệm được 1 khoản tiền ăn kha khá.
– Nhược điểm: Tuỳ vào số nhân viên và tình trạng kinh doanh của quán mà có thể được xếp lịch ít hơn kì vọng.
– Mức lương: ngang với mặt bằng chung, khoảng 1000y/giờ, tương đương với 190k-200k/tiếng, ít có chỗ up ca đêm.
– Cách tìm: Theo dõi các Facebook Page chuyên giới thiệu việc làm cho du học sinh VN tại Nhật và apply khi có thông tin tuyển, hoặc theo ra ga tàu/cửa hàng tiện lợi gần nơi mình sống để lấy tạp chí Town-work (miễn phí) chuyên đăng tin tuyển việc làm thêm và tìm các quán phù hợp rồi gọi điện đến xin phỏng vấn.
Ở Nhật có rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24h gọi là combini (convenience store), và mấy năm gần đây thì các cửa hàng này tuyển DHS khá nhiều. Công việc chủ yếu thường là sắp xếp hàng lên các kệ trong quán, tính tiền cho khách, dọn dẹp cửa hàng, …
Thường yêu cầu trình độ tiếng N3 trở lên vì ít nhiều phải giao tiếp với khách đến cửa hàng.
– Ưu điểm: Thường được mang đồ ăn sát date về nhà nên cũng tiết kiệm được 1 khoản tiền ăn kha khá với bạn nào tiết kiệm. Có ca đêm nên dễ bố trí thời gian.
– Nhược điểm: Theo mình thì không có nhược điểm mấy, tuy nhiên nếu bạn nào muốn luyện để tăng giao tiếp qua công việc làm thêm thì hơi khó, vì thường các câu thoại giao tiếp ở combini khá cố định.
– Cách tìm: Quan sát các combini gần nơi mình sống, gần khu vực mình học,… để xem nếu có dán bảng đang cần tuyển người thì vào hỏi trực tiếp.
Ở Nhật người dân ăn cơm hộp khá nhiều, vì vậy mà các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị bầy bán khá nhiều cơm hộp, và các xưởng cơm hộp chính là nơi cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng, siêu thị này. Công việc của bạn là ngồi sắp xếp các đồ ăn đã được chế biến vào khay và đóng hộp.
– Ưu điểm: Nói chung không cần nhiều đến vốn tiếng Nhật, công việc cũng không quá nặng nhọc nên được khá nhiều bạn DHS mới sang ưa chuộng.
– Nhược điểm: Thường không được làm nhiều tiếng lắm nên thu nhập không ổn định, không dùng tiếng Nhật nên không tăng được khả năng giao tiếp.
– Cách tìm: Nhờ trường tiếng giới thiệu, hoặc tham khảo các Facebook Page chuyên giới thiệu việc làm cho DHS.
Tương tự như công việc khuân và làm cơm hộp, đây cũng là công việc được nhiều bạn DHS làm do nhu cầu nhân lực lớn, và không đòi hỏi tiếng Nhật. Công việc là quét dọn, lau chùi, dọn dẹp phòng tại các khách sạn hoặc tòa nhà. Nhưng nơi này thường khá nhiều DHS Việt nam, không giao tiếp với khách nên không yêu cầu tiếng. Tùy từng nơi có thể xếp thời gian khá chủ động. Mức lương ngang với mặt bằng chung, khoảng chừng 1000y/giờ.
– Ưu điểm: Phù hợp với các bạn mới sang, đặc biệt là các bạn nữ vì công việc tuy là dọn dẹp nhưng nếu làm quen cũng không quá vất vả.
– Nhược điểm: Không dùng tới tiếng Nhật nên không giúp tăng khả năng giao tiếp,..
– Cách tìm: Thường qua nhà trường giới thiệu, hoặc nếu quen ai đang làm sẵn công việc này có thể nhờ giới thiệu vào nơi họ đang làm.Ngoài ra các Facebook Page giới thiệu việc cho DHS cũng đăng khá nhiều,..
===> Trên đây là các công việc mà phần đông các bạn DHS thường làm trong thời gian du học tại Nhật. Ngoài ra, với các bạn khá tiếng và đã sang được khoảng 2 năm có thể kiếm được các công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn như làm văn phòng tại các trường tiếng, đi dịch cho các nghiệp đoàn, dạy tiếng Việt cho người Nhật,… tuy nhiên không quá phổ biến.
Theo quy định của cục xuất nhập cảnh, thì du học sinh chỉ được làm tối đa 28h/tuần trong kì học, và tối đa 40h/tuần vào các kì nghỉ dài như nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ xuân.
Tổng số thời gian nghỉ của 3 kì nghỉ này thường vào khoảng 2 đến 2.5 tháng. Như vậy, có tầm khoản 8 -10 tuần là bạn có thể làm 40h/tuần →tính dôi dư ra thì trung bình cứ 1 tháng thì có khoảng 0.8 tuần bạn có thể làm 40h, còn lại là 28h.
TỔNG THỜI GIAN CÓ THỂ LÀM TRONG 1 THÁNG LÀ 0.8 x 40 + 3.3 x 28 = XẤP XỈ 125H
Mức lương trung bình 1 giờ làm thêm ở Tokyo là khoảng 1000y (200k) vào ban ngày, và up lên khoảng 1250y/h (250k) vào ban đêm, còn các tỉnh khác thường thấp hơn, từ 750-950y/h tuỳ từng nơi.
Đó là lương cho các công việc làm thêm phổ biến mà du học sinh thường làm như: bồi bàn, rửa bát trong quán ăn, phụ việc trong các cửa hàng tiện lợi (combini), quét dọn phòng khách sạn – các toà nhà cao tầng, khuân vác cho các công ty chuyên chuyển phát nhanh,….
** Các bạn khá tiếng Nhật (ở mức khoảng N2) đôi khi có thể kiếm được các công việc với mức lương cao hơn như : làm văn phòng ở trường tiếng (tầm 1300-1400y/giờ, tương đường 260k -280k) , hoặc dạy tiếng Việt cho người Nhật (2000-3000y/giờ tương đương 400k đến 600K), phiên dịch cho cảnh sát hoặc các nghiệp đoàn có nhiều tu nghiệp sinh (khoảng 10000y, tương đương 2 triệu/ ngày) nhưng không phổ biến.
==> Như vậy, nếu làm đúng theo quy định của cục XNC, và có kèm thêm cả làm đêm để tăng lương, thì
MỘT BẠN DU HỌC SINH LÀM MAX TRONG KHUNG GIỜ CHO PHÉP THÌ THƯỜNG SẼ KIẾM ĐƯỢC: 1000y * 125h ~25 TRIỆU
Như vậy số tiền này vừa đủ để trang trải sinh hoạt + học phí và cùng lắm là dư ra 1 chút để dự phòng hoặc đi tham quan du lịch chút thôi, không thể có chuyện tháng làm chơi chơi cũng được 40 triêu, trừ các thứ dôi dư ra cả chục triệu được đâu mọi người nhé.
Tất nhiên trên thực tế tỉ lệ các bạn DHS đi làm đúng quy định (28h/tuần) của cục XNC là rất ít, hầu như mọi người đều đi làm chui 2-3 việc, tìm việc nhận lương tay, không báo thuế để làm …với tổng số giờ lên tới 40-60h/tuần…
Tuy nhiên, hiện nay cục XNC đang siết rất chặt việc kiểm tra này, nên việc làm quá giờ sẽ trở thành mối hoạ khiến bạn có thể không gia hạn được visa, bỏ dở con đường học hành còn đang dang dở, và bọn mình không khuyến khích việc đó. Rất nhiều bạn dù đinh ninh mình làm 2 việc nhưng 1 việc nhận lương tay thì cục không thể biết được, nhưng cuối cùng vẫn bị lộ ra vì nhiều lý do: như quán trả lương tay nhưng vẫn báo thu nhập lên quận,… Ngoài ra làm thêm quá nhiều thì bạn cũng chẳng thể học tốt được, nên có khi sau 2 năm học tiếng mà tiếng Nhật vẫn làng nhàng, lại mất thêm 2 năm học lên senmon mà cuối cùng có khi đến tận lúc tốt nghiệp senmon tiếng vẫn… không đủ để xin việc.
Vì thế, để cuộc sống bớt khó khăn, tốt nhất chúng ta nên tìm cách cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, năng tìm kiếm học bổng,… hoặc nâng cao khả năng tiếng để tìm được các công việc lương tốt mà không cần làm quá nhiều giờ, nhé.
Chi phí phải chi trả | Số tiền |
Tiền nhà (ở chung với bạn) | ¥30,000 |
Điện, nước, gas | ¥9,000 |
Tiền ăn (khá tiết kiệm) | ¥15,000 |
Điện thoại, net | ¥7,000 |
Chi phí đi lại | ¥3,000 |
Tiêu vặt khác | ¥1,000 |
Tiền học phí | ¥50,000 |
Tổng | ¥110,000 |
Ngoài ra, nếu bạn nào khi đi mà còn phải vay từ ở nhà, thì lại còn tốn thêm 1 khoản để gửi về trả nợ nữa, nên cuộc sống sẽ rất khó khăn. Vì vậy, nếu quyết định đi Nhật, bạn nên cân nhắc kỹ về lộ trình tương lai của bản thân, cũng như tiềm lực kinh tế của gia đình. Đừng nên bằng mọi giá vay 100-200 triệu sang Nhật với ước mơ đổi đời rồi cuối cùng lại bị cuốn vào vòng xoáy vay để đi du học Nhật nhưng cuối cùng sang đến Nhật lại chỉ lo cày trả nợ gốc + lãi và tiền học phí phát sinh.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận