Chuẩn bị skill sheet khi ứng tuyển công việc ngành kỹ thuật (IT)

Đối với các bạn đã từng có kinh nghiệm đi làm sau khi ra trường, thì khi đi xin việc (chuyển việc) tại Nhật, ngoài bản sơ yếu lí lịch (履歴書), các bạn còn cần chuẩn bị thêm một bản 職務経歴書 (しょくむけいれきしょ、tạm dịch: bản tường thuật chi tiết kinh nghiệm làm việc) để PR được tốt nhất kinh nghiệm của bản thân. Khác so với các bạn ứng tuyển công việc bên 文系、các bạn ứng tuyển các công việc bên 理系 (IT, thiết kế, kiến trúc…) thường phải viết kèm thêm 1 bản gọi là skill sheet (スキルシート)hoặc portfolio (ポートフォリオ)để nhà tuyển dụng có thể dựa vào đó để đánh giá năng lực, và xem bạn có phù hợp với công ty hay không. Trong bài này, Tomoni sẽ hướng dẫn các bạn viết 1 bản skill sheet tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhé.

Thông tin tổng hợp về cách viết 職務経歴書

Mục lục

  1. Skill Sheet và vai trò của Skill sheet
  2. Nhà tuyển dụng thấy gì qua skill sheet của bạn?
  3. Cách viết skill sheet và link download mẫu skill sheet tham khảo
1. Skill sheet và vai trò của skill sheet

Skill sheet là gì?

Skill sheet(スキルシート)là 1 bản tổng kết toàn bộ kinh nghiệm, thành tích, kỹ năng… từ trước cho đến nay của bạn, nộp kèm 履歴書 dùng để PR bản thân cho nhà tuyển dụng (trong ngành IT).

Skill sheet thường không có form quy định sẵn mà được ứng viên tự do trình bày. Tuy nhiên nội dung không được tùy ý, mà phải đảm bảo đúng sự thật, đúng thông tin để nhà tuyển dụng có cái nhìn đúng về năng lực của ứng viên.

Vai trò của skill sheet khi nộp hồ sơ

Skill sheet đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng. Trong CV cũng có phần PR bản thân nhưng đối với ngành IT, nếu chỉ đề cập chung chung nhà tuyển dụng sẽ không thể phán đoán được kỹ năng của bạn ở mức nào, có khả năng làm được gì, kinh nghiệm làm việc ra sao…

Skill sheet, trong đó bao gồm kinh nghiệm, kỹ năng, những dự án bạn đã phụ trách… nhà tuyển dụng thông qua đó có thể đánh giá được năng lực, kinh nghiệm của bạn, đánh giá xem bạn có phù hợp với công ty hay không.

Điều quan trọng trong việc viết skill sheet là lựa chọn thông tin gì, trình bày như thế nào để nhà tuyển dụng có thể đánh giá đúng được giá trị bản thân mình. Ứng viên được đánh giá rất cao nếu nhà tuyển dụng thấy được qua skill sheet năng lực ứng viên có thể phát huy trong công việc ở công ty mình.

Trong trường hợp lương đàm phán khi phỏng vấn, 1 skill sheet ấn tượng cũng giúp bạn nâng cao được giá trị bản thân, có thể đàm phán được mức lương cao hơn khi tuyển dụng.

2. Nhà tuyển dụng thấy gì qua skill sheet của bạn?

Kinh nghiệm, kỹ năng của bạn

Dựa vào những thông tin như có thể sử dụng ngôn ngữ gì, số năm kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ đó, phụ trách nhiệm vụ gì trong dự án, công việc cụ thể là gì…, nhà tuyển dụng có thể đánh giá kinh nghiệm, kỹ năng của bạn có phù hợp với dự án/công việc hay không.

Khả năng làm việc nhóm của bạn

Các công ty Nhật nói chung rất coi trọng khả năng làm việc nhóm. Dù kỹ năng của bạn tốt đến đâu, kinh nghiệm có nhiều thế nào, nếu bạn không hợp với nhóm, hay khả năng làm việc nhóm thấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả nhóm. Dựa vào kinh nghiệm của bạn trong các dự án, nhà tuyển dụng có thể đánh giá khả năng làm việc nhóm, từ đó ảnh hưởng đến quyết định có tuyển bạn hay không.

3. Cách viết skill sheet và link download mẫu skill sheet tham khảo

Về hình thức

  • Độ dài trung bình khoảng 2 trang A4, dài nhất cũng chỉ 3~4 trang A4.
  • Trình bày theo từng mục, đơn giản, dễ hiểu, không viết tắt.
  • Thống nhất cách sử dụng từ ngữ. Ví dụ kết thúc câu bằng「○○を経験。」「○○を達成。」
  • Thống nhất cách trình bày layout.
  • Sử dụng lịch dương để ghi ngày tháng (không dùng cách ghi của Nhật như 平成、昭和。。)

Về nội dung

  • Trình bày toàn bộ lý lịch kinh nghiệm làm việc cho đến hiện tại.

Trình bay cụ thể theo các mục 「担当した業務内容」(Nội dung công việc phụ trách) 「参画期間」(Thời gian tham gia dự án)「スキル」 (Kỹ năng), 「何をどの程度できるか」 ghi rõ đã hoàn thành công việc ở mức độ nào. Ngoài ra, những thông tin như đàm phán với khách hàng, kinh nghiệm lãnh đạo, huấn luyện nhân viên… nếu có, cũng có lợi ích nhất định, nên ghi rõ vào trong skill sheet. Cần trình bày rõ ràng, cụ thể để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nắm được thông tin cần thiết để đánh giá đúng khả năng của bạn.

  • Tìm hiểu về công ty và vị trí ứng tuyển để có thể nhấn mạnh vào điểm mạnh của bản thân

Mỗi vị trí công việc, mỗi dự án đều có những yêu cầu về kỹ năng khác nhau. Nói cách khác, tùy vào mỗi công việc mà cách PR điểm mạnh bản thân cũng khác nhau cho phù hợp với công việc đó.

  • Trình bày rõ ràng, dễ hiểu về kinh nghiệm thiết kế, phát triển sản phẩm, hệ thống

Ví dụ: Dự án phát triển hệ thống mới hay là cải tiến hệ thống cũ. Nếu cải tiến thì cải tiến những tính năng gì, phụ trách những gì? Phương pháp thiết kế là gì? web system hay client server system?…

Skill sheet trình bày chi tiết đến đâu?

  • Profile

Ghi rõ tên, tuổi, ga gần nhất, địa chỉ, quá trình học tập, bằng cấp… Ghi toàn bộ những thông tin như kinh nghiệm trong loại ngôn ngữ nào, server OS, DB, network, midware…

  • Thời gian của dự án

Ghi rõ thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc dự án, trong thời gian bao lâu… Nếu trong 1 thời gian mà tham gia nhiều dự án thì không ghi nhiều dự án trong 1 khoảng thời gian, hãy tách riêng từng dự án.

  • Nội dung công việc

Cần ghi rõ nội dung công việc. Ví dụ nếu chỉ ghi đơn giản nội dung công việc là “Vận hành server”「サーバーの運用」, nhà tuyển dụng sẽ không tưởng tượng được phạm vi công việc vận hành của bạn đến đâu.

Cần ghi rõ theo các mục như : Bạn làm nhiệm vụ gì, trong nhóm có bao nhiêu người? Tần suất phát sinh lỗi ra sao? Sau khi phát sinh lỗi thì xử lý như thế nào? Thay đổi phương pháp vận hành không? Thay đổi như thế nào? Sau khi thay đổi thì tỉ lệ phát sinh lỗi có giảm xuống không? Cần ghi cụ thể để nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ ràng nhất về bạn.

  • Về nhóm làm việc

Ghi rõ thông tin về nhóm thực hiện dự án như số lượng thành viên, nhiệm vụ cụ thể…

  • Về hệ thống

Ghi rõ ngôn ngữ, server OS, DB, midware, công cụ network…

  • Công trình phụ trách

Tùy vào dự án sẽ có cách viết khác nhau. Ví dụ, về công trình cơ sở hạ tầng thì cần phải ghi khái quát về công trình, thiết kế, cấu trúc, vận hành – bảo dưỡng. Về phát triển, khai thác sẽ cần ghi rõ thiết kế cơ bản, thiết kế chi tiết, phát triển, kiểm tra…

Tham khảo mẫu skill sheet tại đây.

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...