Dù là người đã học tiếng Nhật 1 thời gian dài hay mới tiếp xúc với tiếng Nhật, có lẽ đều thấy rằng kính ngữ (敬語) là 1 trong những phần khó nhất của tiếng Nhật. Nắm được quy tắc đã khó, vận dụng linh hoạt nó trong từng hoàn cảnh lại càng khó hơn. Ngay cả người Nhật cũng không phải ai tự tin dùng đúng kính ngữ trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người nước ngoài chúng ta cũng không thể dùng được trôi chảy kính ngữ. Kính ngữ cũng gần như là điều bắt buộc phải biết khi đi làm ở Nhật. Nắm được quy tắc, nhận biết được cách dùng trong từng trường hợp, vận dụng thường xuyên sẽ giúp cho khả năng tiếng Nhật cũng như sử dụng kính ngữ trở nên tự nhiên và trôi chảy hơn. Trong bài này, chúng ta cùng xem cách chuyển đổi 1 số từ thường dùng sang kính ngữ ở nơi làm việc nhé.
→「承知いたしました」「かしこまりました」
わかりました vốn mang tính lịch sự, nhưng khi giao tiếp với khách hàng, cấp trên hoặc những người lớn tuổi, cần phải sử dụng kính ngữ thì chúng ta sẽ dùng khiêm nhường ngữ 「承知いたしました」hoặc「かしこまりました」thay cho 「わかりました」.
Lưu ý:「了解しました」KHÔNG phải là kính ngữ.
Nhiều bạn quen dùng từ này khi đi làm baito, hoặc khi giao tiếp với bạn bè thời sinh viên và vẫn giữ thói quen dùng từ đó kể cả khi đi làm nhân viên chính thức. Tuy nhiên「了解」không phải là kính ngữ. Khi dùng từ này để nói chuyện với cấp trên hay khách hàng sẽ bị coi là thất lễ nên các bạn cần chú ý.
見てください không chỉ có nghĩa là “nhìn, xem” mà cụm từ này có nhiều ý nghĩa khác nhau tuỳ theo nhiều hoàn cảnh khác nhau. Do đó, tuỳ theo từng tình huống mà chúng ta có những cách biến đổi sang kính ngữ khác nhau. Để dễ hiểu chúng ta cùng xem 1 vài ví dụ cụ thể nhé:
Ví dụ:「皆さん、あれを見てください」
→ 「皆さま、あちらをご覧ください」
Trong ví dụ này, từ 見る có nghĩa là nhìn, xem theo đúng nghĩa gốc của từ, do đó chuyển sang kính ngữ là 「ご覧になる」, 「あれ」「これ」chuyển thành「あちら」「こちら」.
Ví dụ:「詳細についてはこの資料を見てください」
→ 「詳細につきましては、こちらの資料をご参照ください」
Trong ví dụ này, 見る lại không phải nhìn, mà mang ý nghĩa là đọc tài liệu. Trong trường hợp này, chúng ta vẫn có thể nói là 「ご覧ください」「ご覧になってください」nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể dùng kính ngữ mang ý nghĩa là đọc, tham khảo (参照する) tài liệu như 「ご参照ください」「お読みください」.
Ví dụ:「部長、この資料に間違いがないか見てください」
→ 「部長、こちらの資料に間違いがないかご確認いただけますか?」
Trong câu này thì 見る lại có ý nghĩa là xác nhận (xem tài liệu có sai sót gì không), nếu chuyển sang 「この資料に間違いがないかご覧ください」câu sẽ trở nên gượng gạo, do đó trong trường hợp này nên dùng từ có ý nghĩa rõ ràng “xác nhận”, và kết hợp với khiêm nhường ngữ 「~いただく」-> ご確認いただけますか.
Thông thường, khi chúng ta được hỏi 「大丈夫ですか?」thì sẽ trả lời lại ngay lập tức「大丈夫です」như 1 phản xạ hay thói quen. Trong cuộc sống hàng ngày thì đó là điều rất bình thường. Tuy nhiên, trong công việc, khi nói chuyện với khách hàng hay cấp trên thì cách dùng 大丈夫 lại có thể bị coi là không phù hợp.
Ví dụ, trong trường hợp khách hàng đối tác gửi email về về lịch trình. Khi trả lời xác nhận đồng ý với lịch trình đó, 大丈夫 sẽ bị coi là không phù hợp. Đương nhiên, cách trả lời như OK です hay 了解しました cũng bị coi là không phù hợp khi giao tiếp với khách hàng hay cấp trên.
Trong trường hợp này, chúng ta cần thay 大丈夫です bằng 問題ございません (không có vấn đề gì) và 承知いたしました hoặc かしこまりました thay cho OKです・了解しました。
Lưu ý: 結構です・構いません cũng được coi là cách dùng không phù hợp với cấp trên. 結構です vốn dĩ là từ chỉ dành cho cấp trên nói với cấp dưới. 構いません mang ý nghĩa là “làm hay không làm cũng được, không có vấn đề gì”, do đó nó không phù hợp dùng để trả lời cấp trên.
Có nhiều từ hay cách nói mà trong cuộc sống hàng ngày nói chuyện với bạn bè, gia đình thì không có vấn đề gì, nhưng lại không phù hợp ở nơi làm việc hay trong trao đổi email với đối tác, khách hàng. Dưới đây là 1 vài ví dụ về cách chuyển đổi những từ, cụm từ sang dạng kính ngữ, hoặc cách nói phù hợp khi liên lạc qua email với đối tác, khách hàng.
お疲れ様です。
→ いつもお世話になり、誠にありがとうございます。Đây là câu chào hỏi đầu email gần như được quy định sẵn. Trường hợp lâu không liên lạc thì dùng 「ご無沙汰しております」thay cho 「お久しぶり」.
はじめまして。
→ 初めてご連絡致します。○○株式会社の〇〇と申します。Đây cũng là mẫu câu được sử dụng khi lần đầu tiên liên lạc với khách hàng, đối tác.
教えてください。
→ 私にお教え頂けませんか hoặc ご教示ください
すみません。
→ 誠に申し訳ございません。Đây là 1 lỗi dễ mắc phải khi xin lỗi. すみません không phải là kính ngữ. Khi xin lỗi thì dùng 申し訳ございません.
連絡してください。
→ ご一報いただけますでしょうか。Khi muốn khách hàng liên lạc lại thì có thể dùng mẫu câu này.
お知らせです。
→ ご通知申し上げます。Mẫu câu sử dụng khi muốn thông báo 1 điều gì đó tới khách hàng.
お断りします。
→ お受けいたしかねます。Mẫu câu sử dụng khi từ chối. Tốt nhất là thêm 1 câu xin lỗi đằng trước như「恐れ入りますが」hoặc「誠に申し訳ありませんが」.
ではよろしく。
→ 何卒よろしくお願い致します。Mẫu câu kết thúc email.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận