Ngày 20 tháng 5 năm 2020
Đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) bắt nguồn từ Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tính đến ngày 20/5/2020, trên thế giới đã có 4,789,205 người nhiễm và 318,789 người tử vong trong đại dịch này . Covid-19 khiến các quốc gia phải ra các lệnh ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài, hàng nghìn hãng hàng không ngừng khai thác, hàng loạt thành phố trên khắp thế giới cũng bị phong toả hoặc hạn chế đi lại. Một khung cảnh chưa từng có và thật khó có thể tưởng tượng nổi trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Với quy mô dân số già và nền kinh tế đang hồi phục chậm sau “những thập kỷ trì trệ”, Nhật Bản cũng đang gặp nhiều khó khăn trước đại dịch Covid-19. Olympic Tokyo 2020 bị hoãn chỉ vài tháng trước ngày khai mạc theo kế hoạch khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao. Thêm vào đó, ngành sản xuất chế tạo ô tô – máy móc – điện tử cũng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng do nhu cầu thế giới sụt giảm và chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt do đại địch.
Tính đến ngày 13/5/2020, theo thống kê đã có 142 doanh nghiệp thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện thủ tục đăng ký phá sản trên khắp cả nước Nhật Bản. Tại thời điểm thông báo cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc ngày 23/4/2020, trong số 7000 công trình công cộng có đầu tư trực tiếp từ chính phủ có tới 250 công trình (gần 4%) đã có thông báo tạm hoãn. Bên cạnh đó, có 870 trong tổng số 5500 dịch vụ công cũng đã có thông báo tạm dừng. Theo IMF, dự báo kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm 5% trong năm 2020.
Trong bài viết lần này, MPKEN xin tổng hợp thông tin và phân tích kỹ hơn về ảnh hưởng của Covid-19 tới từng lĩnh vực, ngành nghề cũng như những tác động trực tiếp đến thị trường việc làm dành cho người Việt Nam tại Nhật Bản. MPKEN mong muốn những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như du học sinh Việt Nam có nguồn thông tin tham khảo giúp lựa chọn hướng đi đúng đắn cho mình trong tương lai.
1. Nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn
a. Sản xuất – chế tạo
Ngành sản xuất chế tạo ô tô dự kiến giảm mạnh hơn thời kỳ Lehman shock do nhu cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và Châu u, hai thị trường lớn của ngành ô tô Nhật Bản. Theo công ty chứng khoán Nomura, dự kiến thị trường ô tô thế giới sẽ giảm 10-15% trong năm 2020. Thêm vào đó, đầu tư vào ngành chế tạo cơ khí đã bắt đầu giảm kể từ khi bùng phát dịch. Do vậy khả năng hồi phục nhanh chóng là không cao.
Về mặt cung, do ngành thép cũng dự kiến suy thoái hơn năm 2009. Trong khi đó, ngành chế tạo máy công nghiệp của Nhật Bản phụ thuộc lớn vào nguồn linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc nên dự kiến việc sản xuất cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do Covid-19.
b. Thương mại và bán buôn
Các sản phẩm phụ tùng nguyên vật liệu sản xuất chế tạo ô tô, máy móc thường chiếm phần lớn trong thương mại Nhật Bản. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu tiêu dùng ô tô, máy móc có xu hướng giảm. Do đó trong ngắn và trung hạn, các công ty thương mại lớn sẽ gặp suy thoái.
Thêm vào đó, giá dầu thế giới sụt giảm cũng khiến các công ty thương mại (商社) lớn của Nhật lỗ thảm hại trong những tháng đầu năm 2020.
c. Khai thác bất động sản
Olympic Tokyo 2020 đã từng được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn cảm hứng mới cho nền kinh tế đã trì trệ 30 năm này. Đại dịch Covid-19 đã khiến Olympic Tokyo 2020 bị hoãn và số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến ngành khai thác bất động sản sẽ giảm mạnh trong năm 2020. Thêm vào đó, do đặc điểm ngành bất động sản là ngành có chi phí và thời gian xây dựng lớn, việc các dự án mới bị dừng sẽ có tác động suy thoái trong thời gian dài.
Mặt khác, do quy định hạn chế đi lại trong công bố khẩn cấp, cộng thêm việc gia tăng work-from-home, nhu cầu xây dựng, chuyển văn phòng, cũng như nhu cầu về quản lý toà nhà dự kiến sẽ giảm mạnh. Thêm vào đó, Covid-19 còn có thể thay đổi phong cách sống của người dân Nhật Bản, nên có thể đây là sẽ thay đổi trong dài hạn.
Ngoài ra, do nguyên vật liệu ngành xây dựng của Nhật Bản thường được cung cấp từ các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, do ảnh hưởng của đại dịch, cả cung và cầu trong ngành xây dựng đều có xu hướng giảm, dẫn tới những khó khăn của ngành trong và sau dịch Covid-19.
d. Chế tạo điện tử – bán dẫn
Cùng xu hướng với ngành sản xuất ô tô, ngành chế tạo điện tử của Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm do đại dịch Covid, đặc biệt là thị trường smartphone. Các hãng chế tạo điện tử và chất bán dẫn của Nhật vẫn là nhà cung cấp lớn cho các công ty sản xuất smartphone trên thế giới. Tuy nhiên, cũng do nhu cầu telework và work-from-home, nhu cầu các sản phẩm điện tử có thể tăng trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19.
e. Dịch vụ ăn uống
Ngành dịch vụ ăn uống là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất trong Covid-19. Các nhà hàng và quán ăn khắp Nhật Bản đã đóng cửa hoặc điều chỉnh giờ mở cửa trong thời gian công bố tình trạng khẩn cấp. Thêm vào đó, nhiều nơi đã đổi menu và cung cấp các suất ăn mang về hoặc sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn như Uber Eats. Tuy nhiên, doanh thu của đại đa số các doanh nghiệp đều giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp trông chờ vào các khoản trợ cấp từ chính phủ và thành phố để có thể duy trì hoạt động sau đại dịch.
f. Bán lẻ
Các trung tâm thương mại và cửa hàng tạp hoá cũng là những đơn vị kinh doanh tạm dừng hoạt động nhiều nhất trong thời gian công bố tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, do sụt giảm lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật, doanh thu của các cơ sở kinh doanh như cửa hàng 100 yên cũng sụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc hạn chế ra ngoài do cách ly xã hội cũng khiến nhu cầu nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, thời trang giảm sút.
g. Lữ hành – khách sạn
Đây cũng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của Covid-19. Trước khi đại dịch bùng phát, ngành du lịch vẫn là những ngành mang lại nguồn thu nhập lớp cho Nhật Bản. Trong không khí chuẩn bị cho Olympic 2020, Nhật Bản đã có nhiều chính sách nới lỏng và mang tính khuyến khích trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài hay thủ tục pháp lý cho các dịch vụ cho nghỉ trọ ngắn hạn. Covid-19 đã khiến cho lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 4/2020 giảm 99.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách sử dụng các tuyến tàu shinkansen trong dịp Golden Week đầu tháng 5/2020 cũng giảm hơn 90% so với các năm trước. Ngành lữ hành – khách sạn dự đoán sẽ tiếp tục hứng chịu tác động của dịch bệnh trong thời gian tới.
i. Hàng không – dịch vụ hàng không
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, các hãng hàng không đã buộc phải giảm chuyến hoặc huỷ lịch bay. Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA và JAL đều công bố lỗ trong kỳ báo cáo tháng 3/2020. Cả hai hãng đều đã giảm tới hơn 90% số chuyến quốc tế và hơn 60% số chuyến nội địa kể từ khi dịch bệnh lan rộng và nhu cầu di chuyển quốc tế giảm. Các hãng hàng không đều đang xem xét khả năng chịu đựng cũng như chính sách “cầm máu” cho hãng mình khi gần như chưa nhìn thấy khả năng có thể khôi phục hoạt động trong tương lai khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới.
2. Nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực trung bình
a. Phái cử nhân sự – giới thiệu việc làm
Kể từ năm 2012 trở lại đây, thị trường việc làm của Nhật sôi động hơn với số lượng việc làm được tạo ra mỗi năm một nhiều. Đại dịch Covid-19 có thể làm thay đổi hoàn toàn xu hướng này khi một loạt các ngành nghề lĩnh vực bị ảnh hưởng hoặc trở nên cẩn trọng hơn với các khoản chi phí. Tháng 6 hàng năm thường là khoảng thời gian mà các hợp đồng tuyển dụng hoặc hợp đồng phái cử nhân sự hết hạn. Do vậy cuối tháng 5 thường là thời điểm công ty và người lao động thương lượng về việc gia hạn hợp đồng. Theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, có khoảng hơn 70% trong tổng số 1,44 triệu lao động phái cử sắp hết hạn hợp đồng. Trong đó, có khoảng 390 nghìn người sẽ hết hạn hợp đồng trong khoảng từ tháng 3 tới tháng 5 năm nay. Dự kiến cuối tháng 5/2020 sẽ là thời điểm khó khăn khi có thêm nhiều thông tin về số lượng lao động phái cử không được gia hạn hợp đồng.
Khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra vào cuối năm 2008, tính đến tháng 3/2009 có khoảng 30 nghìn người thất nghiệp trong đó có 20 nghìn lao động phái cử. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tháng, con số này đã lên tới 85 nghìn người trong đó có 57 nghìn lao động phái cử. Nhiều chuyên gia cho rằng so với khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch Covid-19 xảy ra ở quy mô lớn hơn trong nhiều lĩnh vực ngành nghề hơn. Do vậy có nhiều lo ngại con số người thất nghiệp sẽ còn tăng cao hơn nữa. Lĩnh vực phái cử nhân sự và giới thiệu việc làm chắc chắn cũng chịu nhiều ảnh hưởng lớn.
b. Giáo dục – đào tạo
Theo khảo sát ở 208 trường tiếng trên cả nước Nhật Bản, dự kiến tháng 4/2020 sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 du học sinh. Do đại dịch covid-19, 80% (tương đương 16.000 du học sinh) đã không nhập cảnh được theo kế hoạch. Trong đó có tới 86 trường không có một du học sinh nào nhập cảnh. Cũng theo kết quả khảo sát, có tới 69 trường đang gặp khó khăn về tài chính do không có nguồn thu.
Bên cạnh đó, nhiều trường học và trung tâm đào tạo tại Nhật cũng đang tạm đóng cửa do Covid-19 khiến nhiều giáo viên đang phải tạm ngừng việc. Nhiều trung tâm luyện thi cũng đang dần chuyển sang hình thức đào tạo online và đây cũng là xu hướng trong tương lai.
c. Dịch vụ liên quan bất động sản
Nhu cầu thuê nhà ở, văn phòng, dịch vụ quản lý toà nhà, vệ sinh công nghiệp, dịch vụ chuyển nhà chuyển văn phòng đang có xu hướng sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19. Thay vào đó, người dân và các công ty có xu hướng làm việc tại nhà hoặc làm việc từ xa nhiều hơn. Nếu đây trở thành thói quen mới của người dân và các doanh nghiệp, có thể thấy sự suy giảm trong trung hạn của ngành này.
d. Xây dựng – kiến trúc
Xây dựng và kiến trúc là ngành sẽ chịu nhiều tác động xấu từ đại dịch Covid-19. Như đã viết ở trên, đã có nhiều dự án xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước đang tạm hoãn do đại dịch. Các doanh nghiệp phải đảm bảo các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe của người lao động, đặc biệt là sau khi công bố tình trạng khẩn cấp. Hiện tại, ngành xây dựng và kiến trúc chưa gặp các khó khăn trực tiếp như ngành chế tạo, nhưng trong một kịch bản xấu hơn, khi Olympic bị hoãn lại cùng với những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành lữ hành khách sạn, chi tiêu cho các công trình xây dựng có thể bị điều chỉnh và có thể giảm theo sự suy thoái của nền kinh tế.
3. Nhóm ngành nhận ảnh hưởng tích cực
a. Dược phẩm và sản phẩm y tế
Trong ngắn hạn và trung hạn, các mặt hàng khác như dược phẩm, dụng cụ y tế sẽ có xu hướng tăng. Trong thời gian qua đã chứng kiến doanh số bán hàng của các loại máy trợ thở, các loại máy chăm sóc sức khỏe gia đình. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh và vẫn đang tiếp tục được mua nhiều là khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ y tế. Dự kiến ngành dược phẩm và sản phẩm y tế vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
b. Chế biến thực phẩm
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 2/2020, người tiêu dùng có thói quen nấu ăn tại nhà và tích trữ thực phẩm nhiều hơn. Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này càng thể hiện rõ hơn trong tháng 3 và sau khi chính phủ công bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4. Các sản phẩm được tiêu dùng nhiều là các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, nông sản đông lạnh, các sản phẩm từ gạo và mì. Theo thống kê, kể từ trung tuần tháng 2 đến cuối tháng 3, lượng tiêu thụ thực phẩm đông lạnh tăng tới 5.1%
Trong thời gian tới, tuỳ vào tình hình diễn biến của mình và nhu cầu thực phẩm đã chế biến có thể thay đổi. Tuy nhiên, do nhu cầu dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn có thể giảm, các sản phẩm thực phẩm chế biến có thể vẫn duy trì được mức tiêu dùng này.
c. Hạ tầng thông tin
Do nhu cầu telework lớn, các doanh nghiệp Nhật Bản và trên thế giới đều đang triển khai các BCP (Kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục) nhu cầu video streaming lớn, đầu tư vào các ngành cơ sở hạ tầng thông tin, trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây dự kiến tăng cao trong thời gian tới.
Thêm vào đó, việc hạn chế ra ngoài cũng khiến nhu cầu giải trí trực tuyến cũng tăng cao hơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao, các dịch vụ giải trí streaming, game, phim yêu cầu có sự nâng cấp về cơ sở hạ tầng thông tin. Đặc biệt, công nghệ mạng 5G (sử dụng trạm HAPS) đang được đưa vào sử dụng sẽ giúp giải quyết được các vấn đề này. Các ngành liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mạng 5G cũng đang nhận được nhiều đầu tư và có khả năng tăng trưởng mạnh trong và sau đại dịch.
d. Công nghệ thông tin – phần mềm
Lĩnh vực phát triển hệ thống cũng tăng cao do nhu cầu telework , như hệ thống thiết bị đầu cuối, trạm 5G cũng sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư.
Covid-19 cũng làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng, trong đó có việc khám chữa bệnh từ xa, tham gia sự kiện online, học online, telework. Chính vì vậy, nó cũng thúc đẩy các ngành thiết kế và xây dựng các thiết bị/phần mềm cho thực tế ảo VR, các platform học e-learning, cũng như các dịch vụ tư vấn thực hiện việc chuyển đổi phong cách làm việc.
Thêm vào đó, Covid-19 cũng có thể giúp đẩy nhanh việc chuyển đổi số ở Nhật Bản, đất nước vốn đang khá tụt hậu trong lĩnh vực này do nhiều vấn đề về văn hoá quản trị doanh nghiệp cũng như hạn chế của xã hội dân số già. Dự đoán việc ứng dụng các hệ thống quản lý nhân sự, hệ thống làm việc từ xa, làm việc tại nhà cũng sẽ trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là các sản phẩm ERP. Vì vậy nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này được dự đoán cũng tăng cao, không chỉ giới hạn trong khối kỹ thuật mà còn cả khối kinh doanh/xã hội.
Game và các ứng dụng giải trí online cũng được dự đoán sẽ có nhu cầu tăng cao.
e. Chăm sóc sức khỏe – y tế
Đang tổng hợp
f. Nông – lâm – ngư nghiệp
Đại dịch Covid-19 đã khiến các hộ gia đình thay đổi thói quen tiêu dùng và tích trữ thực phẩm nhiều hơn trong nhà. Đầu ra của các sản phẩm nông sản có thể không phải là các nhà hàng quán ăn như trước đây, mà chuyển dần sang siêu thị và các cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh và đóng hộp. Dự đoán trong tương lai, nhu cầu nguyên liệu tươi để chế biến vẫn tiếp tục tăng.
g. Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nơi
Một trong các ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong đại dịch Covid-19 phải kể đến là ngành thương mại điện tử cùng với dịch vụ giao hàng tận nơi. Việc mua sắm online ngay cả những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng có thể được các công ty thương mại điện tử cung cấp một cách tiện lợi ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Amazon, Rakuten và các hãng vận chuyển giao hàng tận nơi như Yamato hay Uber Eats đều trở nên bận rộn hơn đặc biệt trong những ngày đại dịch. Với xu hướng telework ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ chuyển phát tại nhà sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong tương lai.
h. Thông tin – truyền thông (net media)
Các công ty trong ngành tổ chức sự kiện đang chịu tác động do việc hạn chế ra ngoài cũng như quyết định hoãn Olympic Tokyo 2020 của Uỷ ban Olympic. Tuy vậy, các công ty sản xuất chương trình và truyền thông lại có khả năng tăng trưởng trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng. Theo cuộc khảo sát của công ty NKB, các nội dung sẽ được quan tâm nhiều khi người ta ở nhà nhiều hơn như các nội dung giải trí, nội dung liên quan đến thể dục, yoga, giữ gìn sức khoẻ, skill-up, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn sẽ tăng cao. Các công ty quảng cáo, sản xuất chương trình truyền hình, truyền thông sẽ có nhiều cơ hội tốt do nhu cầu tăng cao.
i. Giáo dục đào tạo trực tuyến (E-learning)
Việc hạn chế ra ngoài và gặp gỡ đông người tạo cơ hội tốt cho các trường học và trung tâm đào tạo chuyển đổi từ hình thức học tập trung truyền thống sang hình thức học trực tuyến (e-learning). Hiện nay ở Nhật Bản có nhiều trường tiếng Nhật vẫn đang duy trì hình thức học online cho các du học sinh. Tương tự như net media, e-learning cũng hứa hẹn một thị trường rộng lớn trong tương lai. Có nhiều ý kiến e-learning và các kỳ thi trực tuyến có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn mới trong tương lai gần. Ngành này dự kiến cũng sẽ tạo nhiều việc làm mới sau đại dịch Covid-19.
Đến ngày 14/5 đã có 7428 người mất việc. Tăng lên từ mức 5,500 người tính đến ngày 11/5. Như vậy trong vòng 1 tháng kể từ ngày 7/4, số người thất nghiệp đã tăng lên gấp 3 lần từ 1,677 người. Cũng theo thống kê của Bộ Lao động,số ngày có hơn 100 người mất việc tăng lên kể từ nửa cuối tháng 4.
Theo thống kê của Bộ Lao động và Hellowork, số lượng người thất nghiệp tăng cao trong những ngành khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống và chế tạo. Điều này là do ảnh hưởng của việc sụt giảm số lượng khách du lịch nước ngoài cũng như việc hạn chế ra ngoài theo công bố tình trạng khẩn cấp.
1. Những thay đổi trong quá trình xin việc
a. Trong ngắn và trung hạn là “thị trường người mua”
Trong một thập kỷ trở lại đây, do nhiều nỗ lực trong chính sách thúc đẩy kinh tế, số lượng việc làm của Nhật Bản tăng đều từ 9,148,729 việc làm năm 2011 cho tới 14,786,921 việc làm trong năm 2018. Việc làm tăng trong khi dân số lại đang già hoá và số người lao động lại giảm, thị trường lao động tại Nhật Bản trong những năm vừa qua là thị trường thuộc về người bán (tức “người lao động”). Những năm vừa qua, người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn.
Covid-19 có thể sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường lao động. Số lượng việc làm giảm và lao động dư thừa tăng, thị trường đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường người mua (tức “doanh nghiệp”). Điều này có nghĩa người lao động sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn để có việc làm.
Thêm vào đó, do thị trường có xu hướng dịch chuyển về thị trường người mua, doanh nghiệp có thể sẽ không phải mất nhiều chi phí như trước đây để tuyển dụng. Trong một vài năm qua, các doanh nghiệp Nhật thường xuyên tổ chức các buổi job-fair, tham gia các event tuyển dụng ở cả Nhật Bản và nước ngoài. Có thể thấy trong vài năm qua tại Việt Nam cũng thường xuyên có những buổi phỏng vấn tuyển dụng như vậy. Tuy nhiên, khi nguồn cung lao động trong nước sẵn có (bao gồm cả người Nhật và người nước ngoài), số lượng các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra chi phí như vậy để tuyển dụng có thể sẽ ít đi.
b. Doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí đào tạo nhân lực
Bên cạnh việc hạn chế chi phí tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc việc giảm bớt chi phí đào tạo, vốn dĩ là những khoản chi phí mà các doanh nghiệp Nhật khá hào phóng chi trả trước đây mỗi khi đến mùa tuyển dụng và vào công ty. Điều này đặc biệt thể hiện rõ hơn trong nhóm người lao động nước ngoài. Vốn dĩ những kỹ năng sống và kinh nghiệm làm việc trong xã hội Nhật/công ty Nhật luôn được đánh giá cao khi phỏng vấn người nước ngoài. Xu hướng này sẽ còn thể hiện rõ hơn nữa sau Covid-19 khi các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh với nhiều sự cẩn trọng hơn.
Ngoài ra, với số lượng vị trí tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp ít đi, những nhân viên mới này cũng sẽ được yêu cầu có khả năng tự học hỏi cao hơn. Doanh nghiệp có thể sẽ tiết kiệm hơn những chi phí kenshu (đào tạo ban đầu) dành cho người thiếu kinh nghiệm. Cùng với đó, trong quá trình làm việc, áp lực của việc tự nâng cao tay nghề chuyên môn của người lao động cũng tăng cao hơn. Gần đây, các doanh nghiệp Nhật đang dần xa rời hơn chế độ “tuyển dụng cả đời” vốn đã trở thành truyền thống kể từ thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ sau chiến tranh. Do vậy, việc buộc thôi việc khi người lao động không đảm bảo yêu cầu công việc có lẽ sẽ không phải một việc hiếm hoi trong các doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
c. Thay đổi phương thức tuyển dụng
Covid-19 làm đảo lộn thói quen trong cuộc sống của mọi người trên thế giới. Phương thức tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài tác động đó. Trước đây các doanh nghiệp Nhật vẫn chuộng hình thức phỏng vấn trực tiếp, mặt đối mặt. Dù đã có internet và các công cụ giao tiếp trực tuyến, các doanh nghiệp Nhật vẫn thường có ít nhất một buổi gặp mặt trực tiếp với ứng viên trước khi quyết định tuyển dụng. Covid-19 đã làm thay đổi truyền thống nay trong đợt tuyển dụng đầu năm 2020 vừa qua. Ngay cả những buổi phỏng vấn cuối cùng (thường là với cấp lãnh đạo công ty) cũng đã được tổ chức online.
Tuy nhiên, chính vì không còn những job-fair quy mô lớn do Hellowork hay các công ty nhân sự tổ chức, sinh viên sẽ phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch xin việc cho bản thân mình. Hơn nữa, việc không được gặp gỡ trực tiếp với người tuyển dụng, với các OBOG (nhân viên đang làm việc tại công ty) cũng khiến ứng viên cảm thấy khó khăn hơn trong việc tìm hiểu công ty. Việc thể hiện bản thân cũng khó khăn hơn trong những buổi phỏng vấn qua mạng. Mặt khác, việc phỏng vấn online khiến thế giới trở nên phẳng hơn, và có thể có nhiều đối thủ hơn cho mỗi công việc. Có thể trước đây, việc tuyển dụng chỉ giới hạn trong một vài khu vực thì hiện giờ, công ty có thể nhận hồ sơ và phỏng vấn với bất kỳ ai trên thế giới, miễn là người đó đảm bảo được các điều kiện tuyển dụng. Chính vì thế, cuộc cạnh tranh của các ứng thời hậu-Covid có thể sẽ có không khí khác, khó khăn hơn hoặc thuận lợi hơn, so với các thế hệ đi trước.
2. Thay đổi trên thị trường việc làm cho người Việt Nam ở Nhật Bản
a. Ngành dịch vụ ăn uống – lữ hành – khách sạn đang ngừng tuyển mới và giảm lao động
Như đã phân tích ở trên, ngành Dịch vụ ăn uống, ngành Lữ hành – Khách sạn là những ngành đã được kỳ vọng sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho người Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là những ngành sẽ trở nên khá bận rộn nếu Olympic Tokyo 2020 không bị trì hoãn vì dịch bệnh. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua chính sách visa mới “Kỹ năng đặc định” dành cho lao động nước ngoài (特定技能) nhằm thu hút thêm lao động phục vụ trong ngành này. Với quy định “thoáng” hơn loại visa lao động truyền thống (技術・人文知識・国際業務), kỹ năng đặc định đã được nhiều du học sinh quan tâm và thi đỗ kỳ thi.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp trong ngành lao đao. Nhiều doanh nghiệp đã ngừng tuyển dụng hoặc tệ hơn đang cho người lao động ngừng việc hoặc rút ngắn giờ làm khiến cho nhiều du học sinh Việt Nam bị huỷ naitei hoặc lùi thời hạn vào công ty vô thời hạn. Một số bạn làm việc trong ngành cũng đang sống dựa vào khoản trợ cấp của bảo hiểm. Có thể thấy trong tương lai gần, những doanh nghiệp này sẽ chưa thể khôi phục hoạt động được ngay và không có nhiều cơ hội việc làm cho các bạn du học sinh muốn tìm việc trong ngành.
b. Ngành sản xuất chế tạo ngừng tuyển mới và có thể có lao động dư thừa
Ngành sản xuất, chế tạo ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô như đã nói ở trên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do sự ngưng trệ của hệ thống cung ứng cũng như sụt giảm của cầu. Ngành này đang là ngành tuyển dụng khá nhiều kỹ sư, nhân viên biên phiên dịch và quản lý nhân sự, thực tập sinh người Việt Nam. Đã có một số cơ sở sản xuất trong ngành này phải dừng sản xuất hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của các nhà máy. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa trong suốt thời gian công bố tình trạng khẩn cấp và đang dần khôi phục lại hoạt động. Các hãng sản xuất lớn như Nidec, Murata Manufacturing, Denso, Nissan, Kyocera, Renesas Electronics, Panasonic trong báo cáo lỗ trong kỳ quyết toán tháng 3/2020. Các công ty này cũng đưa ra dự đoán báo cáo lỗ từ 5 ~ 17% lợi nhuận trong năm 2021. Với tình hình như hiện nay, có thể thấy sẽ có rất ít việc làm mới được tạo ra trong ngành, và các chuyên gia cũng lo lắng sẽ xuất hiện nhiều lao động dư thừa từ ngành này.
c. Dược phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vẫn thiếu nhân lực
Dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong và sau đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe vốn là ngành vẫn thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại Nhật Bản. Đây cũng là ngành được kỳ vọng sẽ hấp thụ tốt số lượng lao động dư thừa từ các ngành khác. Hộ lý, điều dưỡng và chăm sóc viên người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã có từ nhiều năm nhưng chưa nhiều. Tuỳ thuộc vào sự đáp ứng của lao động từ các ngành khác mà nhu cầu với chăm sóc viên người nước ngoài có thể thay đổi.
d. Công nghệ thông tin vẫn tiếp tục tuyển mạnh cả khối kỹ thuật và xã hội
IT vẫn đang là ngành hot và có nhiều cơ hội làm việc trong tương lai. Cú sốc Covid-19 thậm chí còn tạo cho ngành này thêm nhiều việc làm hơn khi nhu cầu telework, telehealth cũng như nhu cầu giải trí tại nhà, giải trí online ngày càng tăng. Việc mua sắm online và dịch vụ giao hàng tại nhà thông minh cũng ngày càng phát triển. Chính vì vậy, nhân sự trong ngành lập trình, thiết kế phần mềm, duy trì hệ thống, tư vấn sử dụng hệ thống cũng ngày càng cao.
Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 bộc lộ điểm yếu bấy lâu của các doanh nghiệp truyền thống của Nhật Bản: chưa ứng dụng nhiều IT vào trong công việc. Đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội tốt thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện chuyển đổi số, đưa hoạt động sản xuất/cung ứng dịch vụ của mình lên các nền tảng số, ứng dụng công nghệ sâu hơn nữa trong việc quản lý hoạt động kinh doanh hàng ngày. Do đó, nhu cầu sử dụng các phần mềm quản lý quy trình kinh doanh ERP sẽ còn tăng hơn nữa. Để cung ứng được dịch vụ này cần đội ngũ nhân lực kỹ thuật cũng như khối ngành xã hội để có thể riêng biệt hoá các sản phẩm theo cầu hoạt động của từng doanh nghiệp.
e. Ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp và chế biến thực phẩm vẫn là ngành khát nhân lực
Nông – Lâm – Ngư nghiệp và chế biến thực phẩm vẫn là những ngành thiếu hụt lao động. Do đại dịch Covid, rất nhiều thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài đã không thể đến Nhật vào tháng 4 như dự kiến. Việc này khiến cho các ngành này thiếu hụt lao động trầm trọng. Báo Nikkei ngày 21/5 có đưa tin nông dân ở tỉnh Aichi đang kêu cứu vì đã đến kỳ thu hoạch bắp cải và cà chua nhưng không đủ nhân lực. Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản JA đang đề xuất Cục quản lý xuất nhập cảnh cho phép các lao động nước ngoài dư thừa ở ngành khác được phép làm việc trong ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp để cứu trợ nông dân trong đại dịch Covid-19.
f. Ngành Xây dựng – Kiến trúc vẫn đang tuyển mới nhưng cơ hội việc làm có thể ít dần
Ngành xây dựng kiến trúc vẫn đang là nhóm ngành lớn và thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Trong đại dịch Covid-19, nhiều lao động nước ngoài không thể nhập cảnh vào Nhật Bản khiến nhiều công trình không thể thực hiện đúng tiến độ. Hiện tại ngành xây dựng và kiến trúc vẫn đang tiếp tục tuyển ở trong nước. Tuy nhiên, với những cú sốc lớn về kinh tế xã hội do Covid-19 gây ra, đặc biệt là việc lùi lịch tổ chức Olympic Tokyo 2020, dự kiến nhiều công trình có thể bị dừng hoặc hủy bỏ. Những thay đổi này có thể kéo theo một loạt những tác động tiêu cực đến ngành và trong tương lai có thể cơ hội việc làm sẽ không dồi dào như trước nữa.
g. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao lĩnh vực luật, thương mại, biên phiên dịch
Covid-19 bộc lộ nhiều vấn đề trong việc nhiều doanh nghiệp Nhật tập trung sản xuất tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ là địa điểm mới phù hợp để dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Do vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực luật, thương mại và biên phiên dịch sẽ tăng cao để đáp ứng nhu cầu mở chi nhánh công ty mới tại Việt Nam cũng như thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập M&A.
1. Chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm
Như đã nói ở trên, việc làm giảm dẫn tới nhiều bất lợi hơn cho người lao động, đặc biệt là nhóm người Việt Nam tại Nhật Bản. Nếu như trước đây, do thiếu hụt lao động các doanh nghiệp có thể phải bỏ ra nhiều chi phí để tuyển dụng nhân sự, tham gia job-fair hoặc tới Việt Nam để phỏng vấn. Xu hướng này có thể sẽ giảm hoặc không còn nữa trong tương lai gần. Dự kiến số lượng người lao động trong một số ngành có thể trở nên dư thừa và trở thành nguồn cung cấp tốt cho các doanh nghiệp. Trong số lao động dư thừa, có thể có nhiều người ở trong nhóm lao động có tay nghề/trình độ cao.
Trong tình hình thông tin việc làm ít đi trong khi tỉ lệ cạnh tranh khi đi xin việc cao hơn, người lao động cần chú ý chủ động tìm kiếm thông tin việc làm cho mình.
2. Định hướng sự nghiệp (ngắn hạn và dài hạn) rõ ràng nhưng linh hoạt
Trong quá trình xin việc tại Nhật đặc biệt trong giai đoạn này, có thể người lao động sẽ phải đánh đổi giữa nhiều lựa chọn công việc. Có thể sẽ phải làm công việc trái với ngành mình mong muốn, hoặc có thể phải bắt đầu lại ở vị trí thấp trong một ngành mới, không tận dụng được nhiều kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc của mình, hoặc có thể sẽ phải chấp nhận chuyển nơi ở mới để có việc làm.
Việc có một kế hoạch dài hạn khi mới xây dựng sự nghiệp là rất nên làm, nhưng nếu quá cứng nhắc, có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội để tôi luyện bản thân trong công việc và giao tiếp và lỡ nhịp trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Những người mới ra trường và ít kinh nghiệm có thể sẽ phải cân nhắc giữa mục tiêu dài hạn cũng như ngắn hạn một cách khách quan, thấu đáo.
3. Tìm phương pháp “tự tái đào tạo” hiệu quả
Các công ty Nhật Bản vốn có truyền thống tuyển dụng người mới tốt nghiệp và tự đào tạo theo nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp. Việc này khiến người lao động thường gắn bó lâu dài với công ty và giúp công ty ổn định nhân sự cho các kế hoạch phát triển của mình. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đại dịch Covid-19 có thể tạo thêm sức ép cho nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề, chính vì vậy doanh nghiệp có thể giảm bớt các khoản chi phí đào tạo nhân sự dành cho người mới tốt nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp sẵn sàng hơn với việc tuyển dụng người đã có kinh nghiệm (mid-career) hoặc yêu cầu người lao động phải có tính tự học hỏi cao hơn.
Rất nhiều sinh viên Việt Nam thường lựa chọn doanh nghiệp Nhật để làm việc một phần vì chế độ đào tạo này. Thậm chí có nhiều người lao động Việt Nam còn khá ỷ lại, coi việc đào tạo nhân lực hoàn toàn là trách nhiệm của công ty, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong văn hoá tuyển dụng, cộng thêm tác động của đại dịch Covid-19, phần chi phí đào tạo/tái đào tạo nhân lực này có thể sẽ được chuyển dần sang cho người lao động. Vì thế, để chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển sự nghiệp của bản thân, cũng như đối phó tốt hơn với những khủng hoảng tương tự trong tương lai, người lao động cần có kế hoạch tự đào tạo một cách hiệu quả. Kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, kiến thức chuyên môn, hiểu biết về internet sẽ là những kỹ năng ngày càng quan trọng khi bạn muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp khi làm việc ở môi trường làm việc nước ngoài.
4. Công thức “IT/Art plus” (ngành truyền thống + IT +/ art)
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các công ty có thể vượt qua được khủng hoảng và phát triển tốt trong và sau đại dịch Covid-19 thường sẽ có mô hình “IT plus”. Mô hình này là việc kế hoạch hoạt động sản xuất, dịch vụ truyền thống của doanh nghiệp, sử dụng internet và IoT (Internet of Things) để nâng cao hiệu suất, mở rộng quảng bá hoạt động của doanh nghiệp.
Trong ngành xây dựng, Bộ Xây dựng Nhật Bản đang thúc đẩy việc IoT với dự án i-Construction với sự kết hợp của các công ty thiết kế và thi công xây dựng truyền thống với các công ty ngoài ngành trong các lĩnh vực như robot, AI, IoT. Ý tưởng của dự án này là sử dụng IoT để kết nối và điều khiển các thiết bị trên công trường. Thông tin thiết kế 3D, 4D cũng có thể được đồng bộ với các thiết bị tại hiện trường, giúp nâng cao tính hiệu suất trong việc thi công và bảo dưỡng công trình sau này. Các kỹ sư và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hy vọng kế hoạch mang tính cách mạng này có thể thay đổi bộ mặt ngành xây dựng và khiến cho ngành này trở nên hấp dẫn hơn đối với các bạn trẻ. Đây mới chỉ là một ví dụ cho thấy, sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới kết hợp cùng ngành truyền thống có thể tạo ra môi trường làm việc mới thú vị đến thế nào.
Ngoài ra, MPKEN còn cho rằng bên cạnh kiến thức chuyên môn, kiến thức và việc áp dụng IT vào công việc, “art” hay được hiểu ở đây là cách chúng ta thể hiện sản phẩm/dịch vụ của mình ra như thế nào cho khách hàng thấy cũng là một điều quan trọng. Hiểu được tầm quan trọng của 3 yếu tố này và kết hợp nó trong công việc của bạn, dù bạn làm ở bất cứ lĩnh vực hay ngành nghề gì cũng sẽ đều đạt được thành công.
Qua các phân tích ở trên, có thể có nhiều bạn du học sinh Việt Nam đang tự trách mình đã chọn “nhầm” nghề. Tại sao mình không chọn những ngành dễ xin việc hơn? Những ngành hot hơn? Những ngành mới mẻ hơn? Mọi ngành nghề, lĩnh vực đều cần thiết với nền kinh tế, với cả xã hội. Điều quan trọng là các doanh nghiệp thực hiện nó ra sao, và người lao động làm gì để cải thiện môi trường làm việc xung quanh mình, cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình. MPKEN cho rằng ngay cả khi bạn học những ngành nghề mang tính chất thủ công nhất, truyền thống nhất, nhưng nếu bạn ứng dụng tốt công thức IT/Art plus nói trên, nhất định bạn sẽ cải thiện được thành tích làm việc của mình, của công ty mình, được nhìn nhận và phát triển tốt hơn trong sự nghiệp.
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn ko mất phí:
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
![]()
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận