Những bạn đã bị trượt visa vĩnh trú một lần thường có tâm lý lo lắng không biết lần tới xin lại có đậu hay không, sau bao lâu thì nên xin lại… Để có thể lật ngược lại kết quả cho lần nộp thứ 2, điều quan trọng chúng ta cần làm là tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao mình bị trượt để làm lại hồ sơ một cách hoàn hảo hơn. Trong bài viết lần này, Tomoni xin giới thiệu đến các bạn 3 bước cần làm để làm lại hồ sơ xin visa vĩnh trú sau khi bị trượt. Nếu bạn đang cân nhắc về việc xin lại visa vĩnh trú thì đừng bỏ lỡ bài viết này nhé!
Trong trường hợp đã bị trượt một lần, nếu không tìm hiểu kỹ nguyên nhân bị trượt để khắc phục nó, thì cho dù bạn có nộp đi nộp lại hồ sơ nhiều lần, kết quả cũng sẽ giống nhau. Sau đây là 3 nguyên nhân thường gặp dẫn đến việc bị trượt visa vĩnh trú.
Nguyên nhân 1: Bạn có một khoản nợ thuế, bảo hiểm hay nenkin nào đó chưa trả hoặc đang xin hoãn thời hạn thanh toán.
Việc nộp thuế và nenkin đầy đủ là một trong những “yêu cầu về hành vi” – điều kiện quan trọng để xin visa vĩnh trú. Vì vậy, nếu chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và nenkin này, bạn sẽ gần như chắc chắn bị đánh trượt visa vĩnh trú. Nhiều người nước ngoài nghĩ rằng, có thể trong tương lai mình sẽ không ở Nhật tới tận năm 65 tuổi để nhận lại được tiền lương hưu (nenkin) nên không muốn nộp. Tuy vậy, cần nhớ rằng việc nộp nenkin là nghĩa vụ của tất cả những người ở độ tuổi từ 20 trở lên và đang lưu trú trung dài hạn tại Nhật, vì thế, đây cũng là điều kiện tất yếu khi xin visa vĩnh trú tại Nhật.
Chi tiết về các điều kiện về nenkin, quy trình, thủ tục chuyển visa vĩnh trú,… bạn có thể xem thêm tại: Không đóng nenkin có ảnh hưởng đến việc xin visa vĩnh trú?
Những điểm thay đổi trong thủ tục xin visa vĩnh trú từ tháng 7/2019
Nguyên nhân 2: Không đáp ứng điều kiện về thời gian sinh sống ở Nhật.
Trừ trường hợp là vợ hoặc chồng của người Nhật, hoặc đang làm việc tại Nhật theo visa nhân lực chất lượng cao(高度人材) thì thời gian lưu trú cần thiết để xin được visa vĩnh trú sẽ rút ngắn lại được hơn, còn đối với các trường hợp thông thường, thì điều kiện để nộp đơn xin visa vĩnh trú là phải sống ở Nhật liên tục trên 10 năm.
Xem thông tin chi tiết thủ tục chuyển từ visa Nhân lực chất lượng cao sang visa vĩnh trú tại: Hướng dẫn thủ tục xin visa vĩnh trú từ visa nhân lực chất lượng cao
Điều kiện về thời gian xin visa vĩnh trú: Tìm hiểu thủ tục xin visa vĩnh trú ở Nhật
Từ “liên tục” ở đây là điểm quan trọng trong điều kiện này, để kiểm tra xem người nộp đơn có cư trú ở Nhật một cách ổn định hay không. Ví dụ, những trường hợp sau đây sẽ có khả năng KHÔNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN là “cư trú ổn định” và liên tục:
– Có khoảng thời gian rời Nhật Bản liên tục từ 90 ngày trở lên.
– Rời Nhật Bản từ 150 ngày trở lên trong một năm.
Nguyên nhân 3: Thu nhập năm của hộ gia đình thấp.
Không có một tiêu chuẩn rõ ràng nào về thu nhập năm đối với loại visa này, nhưng nếu thu nhập năm của hộ gia đình thấp, hoặc có thu nhập tương đối cao nhưng lại có quá nhiều người phụ thuộc (ví dụ xin giảm thuế bằng cách đăng ký phụ thuộc thuế cho bố mẹ ruột, bố mẹ vợ, vợ con,…) thì khó có thể đáp ứng được điều kiện “có đủ khả năng về kinh tế để sống ở Nhật”. Tỷ lệ hồ sơ được cấp visa vĩnh trú tính đến tháng 5/2020 là 53,77%, thấp hơn so với 57% vào năm 2019. Điều này đã chứng tỏ việc xét visa vĩnh trú ngày càng trở nên gắt gao hơn.
Trong trường hợp không nằm trong 3 nguyên nhân trên, và cũng không biết được nguyên rõ ràng, người nộp đơn có thể hỏi trực tiếp Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh (Cục QLXNC) để biết nguyên nhân bị từ chối hồ sơ. Nguyên nhân này ở mỗi người là khác nhau, vì vậy, tuy có phần phức tạp, nhưng trực tiếp hỏi Cục QLXNC là cách ngắn gọn nhất và người nộp đơn sẽ hiểu được lý do cụ thể trong trường hợp của mình. Để chắc chắn, bạn nên viết ra sẵn những điều cần hỏi, nếu cảm thấy lo lắng khi đến Cục QLXNC một mình, bạn có thể nhờ luật sư tư vấn luật đi cùng.
Đây là giấy tờ cần mang theo khi đến Cục QLXNC:
① Tờ thông báo về việc bị từ chối
② Giấy tờ tùy thân
Trong trường hợp người nộp đơn tự mình đến Cục QLXNC: Thẻ ngoại kiều, hộ chiếu
Trong trường hợp là luật sư đại diện: Thẻ nhân viên, giấy ủy thác làm hồ sơ từ người làm đơn, bản sao hộ khẩu
③ Bản sao của hồ sơ xin visa
Xem thêm các bài viết liên quan khác tại: Chủ đề Thủ tục visa
Sau khi đã tìm hiểu rõ nguyên nhân và sửa lại hồ sơ hoàn chỉnh hơn, người nộp đơn hoàn toàn có thể nộp lại đơn xin visa vĩnh trú. Về cơ bản, không có một quy định nào về thời gian có thể nộp lại hồ sơ sau khi bị từ chối. Người nộp đơn có thể nộp lại hồ sơ ngay sau khi bị từ chối, không giới hạn số lần nộp và có thể nộp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, quá trình duyệt hồ sơ ngày càng khắt khe hơn qua từng năm, nên không phải cứ nộp hồ sơ nhiều lần là sẽ được cấp visa.
Đó là lý do tại sao nên nộp nộp một bộ hồ sơ hoàn hảo hơn thay vì nộp nhiều lần. Vì vậy, hãy kiểm tra lại một lần nữa những thông tin dưới đây:
・ Bạn đã nộp thuế đầy đủ chưa?
—> Nếu chưa, hãy đi nộp đầy đủ trước khi xin lại lần 2. Hiện nay, giấy tờ thuế – bảo hiểm- nenkin đều được yêu cầu nộp trong 5 năm trở lại, nên hãy đảm bảo không bỏ sót khoản nào chưa nộp từ các năm cũ.
・ Thời gian lưu trú ở Nhật có đủ liên tục và dài như quy định không?
—> Nếu chưa đủ thời gian lưu trú yêu cầu, hãy kiên nhẫn chờ thêm tới khi đủ thời hạn để nộp lại. Nếu bạn có những khoảng thời gian không ở Nhật quá dài, hãy nhờ một luật sự uy tín để giải trình thật hợp lý trước khi nộp lại nhé.
・ Thu nhập năm của gia đình bạn tại Nhật có ổn định không? Có đăng ký quá nhiều người phụ thuộc để xin giảm thuế không?
→ Nếu thu nhập của bạn hiện nay (hoặc 1 vài năm trước đó) hơi thấp, hãy chờ thêm một thời gian nữa khi thu nhập cao hơn một chút hãy nộp lại. Còn nếu tuy thu nhập khá cao nhưng lại bị trượt do có nhiều nguời phụ thuộc quá, hãy gỡ bớt người phụ thuộc giảm thuế ra và chờ 1 năm sau nộp lại để hồ sơ của bạn đẹp hơn.
・ Bạn đã hỏi nguyên nhân bị từ chối hồ sơ ở Cục QLXNC chưa?
・ Bạn đã sửa lại hồ sơ sau khi tìm hiểu nguyên nhân chưa?
Nếu bạn tự tin trả lời là “CÓ!” với tất cả những điều trên thì có thể nộp lại hồ sơ. Nếu cảm thấy lo lắng về hồ sơ, bạn hãy tìm đến các văn phòng tư vấn luật hành chính để nhờ chỉnh sửa hồ sơ và tư vấn. Chi phí khi nhờ tư vấn luật trung bình dao động từ 120.000 đến 200.000 yên.
Trong trường hợp bị từ chối visa vĩnh trú, chắc chắn sẽ có nguyên nhân cụ thể khiến bạn không được cấp visa. Nếu đã xác định được nguyên nhân và cải thiện được thì xác suất được cấp visa sẽ tăng lên. Tuy sẽ mất khá nhiều thời gian để làm hồ sơ, nhưng bạn đừng bỏ cuộc nhé! Tomoni mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho những trường hợp nào đang gặp phải tình trạng bị từ chối visa để chuẩn bị hồ sơ một cách tốt nhất.
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận